Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến lượng sinh viên tại nhiều trường Đại học, Cao đẳng tại Mỹ giảm sút trong kỳ học mùa thu năm 2020. Tuy nhiên, các trường học cho rằng, đây sẽ là cơ hội giúp sinh viên trở lại học tập an toàn vào kỳ học mùa xuân 2021.
ĐH California, San Diego đang chuẩn bị chỗ ở cho hơn 11.000 sinh viên, nhiều hơn khoảng 1.000 chỗ so với học kỳ mùa thu. ĐH Florida dự kiến mở nhiều lớp học trực tiếp so với trước đại dịch.
Thay vì cho phép vài trăm sinh viên sống trong ký túc xá vào học kỳ trước, ĐH Princeton đã mở rộng chỗ ở cho hàng nghìn sinh viên.
ĐH Cornell dự kiến cho phép khoảng 19.500 sinh viên trở lại sống trong hoặc xung quanh khuôn viên trường vào học kỳ tới. Tính đến nay, hơn 80% sinh viên đã đăng ký, nhiều hơn khoảng 1.500 em so với lượng sinh viên đăng ký vào học kỳ mùa thu.
ĐH Brown sẽ tăng gần gấp ba lần trong khi ĐH Harvard tăng gấp đôi lượng sinh viên ở trong khuôn viên trường vào năm 2021. Trường Cao đẳng Wheaton cho phép thêm 100 sinh viên ở trong ký túc xá và dự kiến mở lại các chương trình du học.
Dù Covid-19 đang bùng phát ở nhiều bang, quyết tâm thu hút sinh viên trở lại phần nào phản ánh nhu cầu tài chính và tổ chức giảng dạy của các trường đại học Mỹ. Điều này cũng xuất phát từ niềm tin các nhà quản lý đã học được cách đối phó với đại dịch như test nhanh Covid-19, yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội.
Ông David Greene, Hiệu trưởng ĐH Colby, Maine (Mỹ) cảm thấy lạc quan vì từng xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong trường. Mỗi đợt bùng phát như vậy, trường học được cách ngăn chặn sự lây lan. Nhà trường dự kiến tiếp tục áp dụng các biện pháp bảo vệ trong học kỳ tới.
Nhiều quan chức trường đại học tin tưởng rằng virus không được lan truyền trong các lớp học, nơi giáo sư tuân thủ quy tắc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Hầu hết, sự lây nhiễm diễn ra trong trường hợp sinh hoạt chung hoặc trong các buổi tụ họp ngoài khuôn viên trường.
Michael Fitts, Hiệu trưởng ĐH Tulane tin rằng, test nhanh Covid-19 là một trong những bài học lớn nhất vào học kỳ mùa thu. Trường từng làm xét nghiệm nhanh cho sinh viên 3 lần/tuần và nhận thấy điều này hiệu quả. ĐH Tulane có thể truy cập vào hai máy xét nghiệm tại trường y trực thuộc, thực hiện 3.000 xét nghiệm mỗi ngày và cho kết quả sau 12 giờ.
Tuy nhiên, ý tưởng thu hút sinh viên quay lại trường đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phía giảng viên. Tại ĐH Florida, giảng viên đã đệ đơn kiến nghị sau khi trường quyết định mở 5.397 lớp học trực tiếp, nhiều hơn 72% so với số lượng lớp vào tháng 1/ 2019.
Một số giảng viên tại ĐH Bắc Carolina cũng đang bày tỏ sự bất bình. Vào tháng 8, trường đã yêu cầu sinh viên trở về nhà để phòng Covid-19. Tuy nhiên, hiện trường đề xuất đưa 2.000 sinh viên trở lại ký túc xá, cung cấp một số lớp trực tiếp trong học kỳ mùa xuân.
Mới đây, khoảng 70 giảng viên đã ký thư phản đối, đăng trên một tờ báo dành cho sinh viên. Nhóm dự đoán sự thất bại của học kỳ mùa thu sẽ tiếp tục lặp lại.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục tỏ ra thận trọng hơn khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng và cả nước đang chờ đợi vắc-xin.
ĐH Michigan từng cố gắng giữ sinh viên ở lại trường trong đại dịch. Nay đã yêu cầu hầu hết sinh viên trở về nhà, học từ xa trong học kỳ tới. 23 cơ sở thuộc ĐH bang California thống nhất rằng học trực tuyến là cách tiếp cận an toàn nhất trong học kỳ mùa xuân.
Một vấn đề khác được quan tâm là vắc-xin cho sinh viên. Hầu hết, các trường bày tỏ không mong đợi có vắc-xin vào học kỳ mùa xuân. Tuy nhiên, nhiều trường, như ĐH Kentucky có kế hoạch phân phối vắc-xin thông qua hệ thống y tế của trường.
Crystal Watson, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh Y tế Hopkins, nhận xét vắc-xin có thể giống “ánh sáng cuối đường hầm Covid-19” nhưng nó cũng là thách thức mới cho các trường đại học.
“Đến nay, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa kế hoạch bình thường trở lại và thực tế tại các trường đại học. Lớp học truyền thống sẽ rất khác so với trước kia”, bà Watson cho biết.
Để biết thêm thông tin chi tiết về kế hoạch đón sinh viên tại các trường Đại học, Cao đẳng Mỹ kỳ mùa xuân 2021, vui lòng liên hệ ngay với INDEC để được tư vấn chi tiết!
Nguồn: Internet