Du học sinh Mỹ chia sẻ: 5 tips giúp bạn làm chủ cảm xúc trong quá trình du học

Cảm giác chông chênh, nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi khi bạn lần đầu xa gia đình và du học ở một quốc gia khác. Vậy làm thế nào để bạn có thể nhanh chóng vượt qua những cảm xúc này và bắt đầu với cuộc sống mới. Dưới đây là những chia sẻ của bạn Nguyễn Đức Minh – học sinh INDEC về cách quản trị cảm xúc trong quá trình học tập, hòa nhập với cuộc sống mới tại Mỹ. Quản trị cảm xúc là gì? Và nó có vai trò như thế nào với du học sinh? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

quản trị cảm xúc

Sức khoẻ thể chất luôn là thứ được gia đình bạn bè và chính chúng ta lo lắng mỗi khi xa nhà. Mỗi khi mình gọi điện về thăm bà ngoại và các bác, ai cũng quan tâm hỏi mình dạo này có lên được cân nào không, nhưng không phải ai cũng để ý tới một phần nữa của sức khoẻ, đó chính là sức khoẻ tinh thần. Bà mình đã lớn tuổi và không có được sự cập nhật về tầm quan trọng của sức khoẻ tâm lý nhưng những người trẻ tuổi như chúng ta không thể xem nhẹ vấn đề này được. Trong thời buổi mà cứ trong bốn người thì lại có một người có dấu hiệu rối loạn tâm lý (theo thống kê từ Clubhouse International) thì khả năng quản trị cảm xúc đang được đề cao hơn bao giờ hết. Và tin mình đi, chỉ cần bạn có thể thành thạo vài kĩ năng quản trị cảm xúc sau đây thì cuộc sống du học sinh của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Quản trị cảm xúc là gì?

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu quản trị cảm xúc là gì? Thoạt nhìn từ “quản trị” có vẻ khá khó hiểu nhưng thực ra quản trị cảm xúc đơn giản là việc bạn có thể quản lý hoặc kiểm soát được cảm xúc của mình. Không để chúng chi phối bản thân chúng ta, không để chúng ở tình trạng cực đoan, hoặc đơn giản là hạn chế tâm trạng tiêu cực và gia tăng cảm xúc tích cực. Trong những trường hợp xấu, khi bạn không thể ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực thì bạn cũng nên có một sự chuẩn bị sẵn sàng cho cảm xúc đó, riêng phần này sẽ được giải thích chi tiết ở phần sau của bài viết. 

quản trị cảm xúc

Lợi ích của việc quản trị cảm xúc

Lợi ích của việc biết quản trị cảm xúc là gì? Việc có kiến thức về quản trị cảm xúc sẽ giúp bạn giữ được trạng thái tích cực, tránh những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy niềm vui hơn, đôi khi là biết bình tĩnh hơn, dễ dàng cảm thông hơn. Và tất nhiên chất lượng công việc, học tập và cả các mối quan hệ sẽ được nâng cao. Bản thân mình khi thành thạo việc quản lý cảm xúc, mình càng thấy vui khi đi học và tràn trề động lực đi học hơn. Những áp lực từ khối lượng bài tập và điểm số vẫn nhiều như vậy nhưng mình không cảm thấy mức khổ sở vì điều đó.

Điều này đang diễn ra trong công việc của mình. Hiện tại mình đang có tới bốn jobs khác nhau từ phục vụ đồ ăn, cắt tóc, cộng tác viên nội dung du học và cộng tác viên nội dung bóng đá. Quả thực, cùng lúc làm nhiều việc như vậy không phải là điều dễ dàng, nhưng hiện tại mình rất tận hưởng với nhưng thứ mình đang làm và không hề cảm thấy căng thẳng hay áp lực từ công việc.

Còn về các mối quan hệ thì sao? Nếu bạn là một người tràn ngập năng lượng tích cực, những người xung quanh sẽ cảm nhận được điều đó và sẽ dễ dàng kết thân với bạn vì cảm xúc có tính lây lan mà. Và ngược lại thì không ai muốn ở cạnh một người lúc nào cũng buồn rầu, trong đầu chứa đầy những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực đúng không nào.

DISC – MOTIVATOR: Nhận diện nhóm tính cách & động lực thúc đẩy bản thân

Tại sao du học sinh nên hiểu quản trị cảm xúc?

Theo thống kê của Mayo Clinic Health System, có tới 44% số sinh viên đại học ở Mĩ trong năm 2022 báo cáo về việc mình có triệu chứng về rối loạn tâm lý. Hãy cùng tìm hiểu những lí do phổ biến khiến du học sinh cảm thấy tiêu cực nhé. Thật khó để rời khỏi một nơi mà mình đã sinh sống từ bé tới lớn, và đúng vậy nhớ nhà là một lí do rất phổ biến. Thứ hai là vấn đề về thích nghi, đây là một vấn đề khá rộng nó có thể là khó khăn thích nghi với thời tiết khí hậu, đồ ăn khẩu vị, hoặc là khả năng giao tiếp với mọi người xung quanh.

quản trị cảm xúc

Tiếp đến, có thể là vấn đề về học tập, điểm số, vấn đề về mối quan hệ với bạn bè, giáo viên. Ngoài ra cũng có thể là vài lí do khá lạ những cũng phải để tâm tới đó là vấn nạn phân biệt chủng tộc, hoặc là sự an toàn cá nhân. Đọc tới đây, có lẽ bạn cũng đã phần nào hiểu tại du học sinh lại cần thành thạo khả năng quản trị cảm xúc. Khi xa nhà và phải tự làm quen với một môi trường mới, rất nhiều khó khăn và thử thách sẽ ập tới có thể kể tới như vấn đề về ngôn ngữ, học tập, khí hậu thời tiết, đồ ăn, văn hoá và hàng chục thứ khác. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của bạn. Mình có một người bạn khi theo học một ngành học khá khó ở một thành phố mà cậu ấy nghĩ rằng là tẻ nhạt, cộng với một sự thiếu hiểu biết về việc kiểm soát cảm xúc, đã tự nảy sinh ra rất nhiều những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực khiến cho gia đình và bạn bè rất lo lắng.

Ngoài ra, khi bạn ở một mình, sẽ không có bố mẹ bên cạnh để động viên và để ý tới cảm xúc của bạn, nếu không thể làm chủ tâm lý của mình thì sẽ gây ra những hậu quả không đáng có. Nhẹ thì có thể là buồn chán, thất vọng, bực tức và nghiêm trọng thì có thể là sợ hãi, stress, trầm cảm và thậm chí cũng có không ít người suy nghĩ tới việc tự vẫn. Bạn phải nhớ rằng chính bản thân mình chứ không phải ai khác sẽ là người có trách nhiệm bảo vệ bản thân bởi sẽ rất khó để gia đình hay bạn bè xuất hiện kịp thời hỗ trợ bạn khi khó khăn kéo tới.

Top 4 cuốn sách hay nên đọc về tâm lý học – không thể thiếu trong tủ sách của bạn

Top 5 tips giúp bạn dễ dàng kiểm soát cảm xúc cá nhân 

Tip #1: Hãy giữ sức khoẻ thật tốt

Điều mà mình thấy rất dễ làm được nhưng lại rất hay bị bỏ bê bởi giới trẻ ngày nay đó chính là vấn đề sức khoẻ. Không biết có phải vì các bạn thấy mình còn trẻ nên chủ quan với chúng hay không. Rất nhiều bạn bè mà mình quen thường xuyên có những thói quen thiếu lành mạnh như bỏ bữa, ăn vặt thì nhiều mà lại không biết chọn thực phẩm dinh dưỡng để ăn, ngủ muộn, hay thiếu ngủ. Tất cả những thói quen này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng sinh hoạt, học tập hàng ngày và tất nhiên rồi tâm lý của bạn sẽ gián tiếp bị tác động từ các yếu tố trên. Chủ đề sức khoẻ của du học sinh khá rộng nên mình sẽ gửi đến các bạn một bài viết đi sâu vào vấn đề này trong thời gian sắp tới.

quản trị cảm xúc

Tip #2: “Biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng”

Tiếp theo là giải pháp cho các vấn đề liên quan tới sự thích nghi của một học sinh. Lý giải dễ hiểu nhất cho sự khó thích nghi của một học sinh với mình đó là vì thiếu sự hiểu biết về nơi mình sắp đến. Cũng như việc đi ra trận chiến với giáp sắt và đao kiếm, bạn cần phải tìm hiểu thật kĩ nơi mình sắp đến trước khi đặt chân tới đó. Hãy tìm hiểu về thời tiết ví dụ như mùa đông sẽ kéo dài bao lâu, từ thời điểm nào đến thời điểm nào, nhiệt độ lạnh nhất trong những năm gần đây là bao nhiêu độ, khí hậu khô hay ẩm, có nhiều gió không.

Tiếp theo, hãy tìm hiểu tỉ lệ người da màu, da trắng, da đen, học sinh quốc tế ở thành phố bạn tới và cả riêng ngôi trường mà bạn học, điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị một tâm lý sẵn sàng và không bị “ngợp” trong các vấn đề liên quan đến sắc tộc. Nếu bạn đến một nơi mà vốn ở đó đã rất đa dạng về màu da, người dân bản địa đã rất quen với những du học sinh quốc tế thì bạn sẽ gần như không bao giờ gặp phải tình trạng phân biệt chủng tộc, còn nếu nơi bạn tới vốn có rất ít người quốc tế và người da màu thì cũng đừng lo lắng quá hãy chăm chỉ kết bạn với không chỉ học sinh mà cả thầy cô, nhân viên trong trường và đặc biệt giữ liên lạc thường xuyên với văn phòng học sinh quốc tế. Bạn cũng có thể xem qua các sự kiện mà học sinh và người dân ở đó quan tâm.

quản trị cảm xúc

Ví dụ như hiện tại mình học ở Gonzaga University, tất cả mọi người ở đấy cực kì yêu thích đội bóng rổ của trường và nhờ việc hiểu biết về bóng rổ, mình rất dễ dàng trò chuyện và kết bạn với mọi người nơi đây. Để bớt nhàm chán, thì bạn hãy tìm hiểu các địa điểm du lịch, trung tâm mua sắm ở thành phố đó, mình không khuyến khích các bạn tiêu xài hoang phí nhưng có một sự thật là với mình lâu lâu mua một chiếc áo hay một món đồ mà mình yêu thích là cách tuyệt nhất để thư giãn bản thân hehe.

Và tiếp tới đây sẽ là một tip hết sức hữu ích mà bạn rất nên tham khảo. Hiện tại đời sống người Việt Nam đã được cải thiện so với thời “bố mẹ” rất nhiều, có rất nhiều bạn may mắn được đi du học vậy nên mình có thể dám chắc với bạn tới 90% nơi bạn sắp đến sẽ có người Việt Nam học tập và sinh sống tại đó. Việc của bạn trước khi bay sang đó là hoá thân thành Conan, truy lùng info của những anh chị đi trước này như thể truy lùng info của crush. Một mẹo khá hay là bạn có thể lên Facebook hoặc Instagram đánh những từ khoá như tên trường của bạn + vsa (Vietnamese Student Association) hoặc ngược lại. Ví dụ mình học ở Gonzaga thì mình sẽ tìm như sau: gonzagavsa, vsagonzaga, guvsa, vietnam gonzaga,,… Bạn cũng có thể lên các group du học sinh Mĩ, Anh, Úc,… trên Facebook và post bài hỏi xem có ai học trường abc ở thành phố xyz này không.

Cách cuối cùng đó là bạn có thể liên lạc trực tiếp đại diện trường và xin thông tin các du học sinh Việt Nam đang theo học tại trường. Các bạn đừng ngần ngại làm điều này vì thứ nhất nó sẽ giúp ích cho chính các bạn, những anh chị này xuất thân từ cùng đất nước và đã đi trước bạn vài năm nên bạn có thể học hỏi được một rổ kinh nghiệm từ họ. Nếu bạn không tự tin khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình thì chắc chắn đây là một cứu cánh cho bạn. Và cũng tin mình đi, chính bản thân mình cũng rất háo hức khi biết tin sắp có học sinh Việt Nam mới sang chỗ mình học và rất sẵn sàng giúp đỡ những người này.

quản trị cảm xúc

Tip #3: Xây dựng mối quan hệ

Tip tiếp theo mình gửi đến các bạn đó chính là hãy tỏ ra “hướng ngoại”. Mình không hề có ý chê bai những bạn trầm tính, ít nói nhưng nếu đây là giai đoạn đầu bạn mới tới một vùng đất mới thì hãy cố gắng xây dựng thật nhiều mối quan hệ. Đầu tiên, hãy chăm chỉ học thật nhiều tiếng Anh ở Việt Nam, bạn càng giao tiếp mượt mà bao nhiêu thì bạn càng dễ hoà nhập bấy nhiêu. Hãy tự tin mỉm cười và chủ động chào hỏi, làm quen các giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường. Đôi khi chỉ cần một câu chào xã giao kiểu như what’s up bro, how’re you today,… thôi cũng đủ để bạn trở nên dễ mến trong mắt người khác. Luôn luôn chủ động giúp đỡ người khác khi nhận thấy họ cần sự giúp đỡ, đó có thể đơn giản là giữ cửa cho người đi sau, hay nhặt đồ hộ,…

Hãy tìm kiếm những câu lạc bộ, hoạt động mình thích để tham gia nhé, mình không dám chắc ở đất nước khác như nào nhưng ở Mĩ thì bạn có thể thoả sức lựa chọn giữa một “đống” câu lạc bộ. Bóng đá, bóng rổ, trượt băng, leo núi, đầu tư, ca hát, nhảy múa,…Việc bạn quen nhiều người sẽ giúp bạn cảm thấy ấm cúng và gắn bó hơn từ đó những vấn đề như nhớ nhà hay cảm thấy lạc lõng cũng không còn nữa. Chưa kể chính những người bạn mà bạn kết thân được đó sẽ là người đầu tiên xuất hiện khi bạn gặp khó khăn chứ không phải bố mẹ và gia đình bạn đâu. 

quản trị cảm xúc

Tip #4: Tìm kiếm động lực đi học

Ngoài ra thì bạn cũng nên xây dựng mục tiêu cá nhân, động lực đi học, giá trị của bản thân và luôn tự tin với nó. Nó sẽ giúp bạn dũng cảm hơn, có nhiều năng lượng tích cực hơn để đối phó với những thử thách. Cá nhân mình may mắn được nhiều người hướng dẫn nên cũng đã phần nào xây dựng được mục tiêu cá nhân của mình và mỗi lần nhớ đến mục tiêu đó mình lại càng muốn bước ra ngoài, va chạm thêm thật nhiều thử thách để trưởng thành hơn.

Tip #5: Mindset của một chiến binh

Và cuối cùng hãy sẵn sàng cho tip mà mình thấy quan trọng nhất trong bài viết này. “Áp lực tạo nên kim cương”, nếu bạn muốn tới một nơi mà mọi thứ phải thật bình yên, vui vẻ thì có lẽ bạn nên cân nhắc lại quyết định đi du học. Ngay từ thời điểm bạn hạ quyết tâm đi du học là bạn đã bước chân ra khỏi vùng an toàn và chuẩn bị cho những khó khăn chuẩn bị kéo tới. Sự áp lực, vui vẻ, lo lắng, hạnh phúc, buồn rầu, thoả mãn đã là một phần của cuộc sống kể từ khi chúng ta sinh ra và bạn cũng nên vui vì mình có “cơ hội” được tiếp xúc với những cảm xúc đó sớm. Bởi nó sẽ giúp bạn trở nên cứng cáp, trưởng thành hơn.

Vậy nên mình muốn chốt lại một điều rằng dù bạn có học thuộc bao nhiêu tip chăng nữa thì nó cũng không thể bảo vệ bạn 100% khỏi những khó khăn về mặt cảm xúc đâu. Việc của bạn là xây dựng một mindset sẵn sàng cho mọi điều tồi tệ nhất có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nó sẽ là hàng rào chắn giúp bạn không bị bất ngờ hay sốc khi chúng xảy đến, thay vào đó là sự bình tĩnh, tự tin để giải quyết vấn đề. Hãy trở nên thật dũng cảm, bước ra và đối đầu với chúng một cách thật mạnh mẽ hãy coi chúng như những người bạn đang cố gắng cho mình những bài học để mình thành công trong tương lai nhé. Cố lên chiến binh à, No Pain No Gain!

quản trị cảm xúc

Tạm kết

Vậy là chúng ta đã đi qua một bài viết khá dài nhưng mình tin nó rất đáng để đọc. Có một vài tip khác khá hay như thiền, tập hít thở đúng cách,… Nhưng cá nhân mình chưa thực sự trải nghiệm điều đó nên không nêu trong bài viết này. Một lần nữa, mình xin được nhấn mạnh hai tips quan trọng nhất trong bài viết này, đó là tầm quan trọng của sự chuẩn bị kĩ lưỡng trước khi khởi hành và mindset của một chiến binh. Hi vọng bạn có thể sở hữu cả hai điều này để thành công trong việc quản lý cảm xúc hehe.

________________________________________________

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG

Địa chỉ: số 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Hotline: 024 7305 3355

Facebook: Du học cùng INDEC hoặc Săn Học Bổng Du Học Anh Cùng INDEC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status