Tiết lộ 4 kỹ năng phát triển bản thân Gen Z cần bỏ túi ngay và luôn!!

Các kỹ năng phát triển bản thân chính là hành trang quý báu dành cho các bạn trẻ khi bước vào đời. Cuộc đời chưa bao giờ được định sẵn khi chúng ta sinh ra, không phải ai cũng là thiên tài bẩm sinh, ranh giới giữa thành công và thất bại chỉ nằm trong hai từ “nỗ lực”. Do vậy, để bước qua mọi thử thách và hoàn thiện mình, các bạn trẻ thế hệ Z cần nỗ lực hơn nữa để trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết sau đây để phát triển bản thân mình.

Kỹ năng phát triển bản thân rất cần thiết đối với các bạn trẻ
Kỹ năng phát triển bản thân rất cần thiết đối với các bạn trẻ

Gen Z – một thế hệ bùng nổ

Trước khi tìm hiểu về các kỹ năng phát triển bản thân cần thiết cho thế hệ Z, chúng ta cần tìm hiểu điểm khác biệt lớn nhất của lớp người này so với các thế hệ trước. 

Gen Z là cụm dùng để chỉ những người sinh ra từ năm 1995 đến năm 2012 (hay một số khác cho rằng từ 1997 đến 2015). Sinh ra trong thời đại truyền thông số toàn cầu, thế hệ Z có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, trí tuệ thông minh ngay từ thuở ấu thơ được chứng kiến sự biến chuyển không ngừng nghỉ của xã hội. Dòng chảy ồ ạt này đã đem đến cho thế hệ Z khả năng sáng tạo, nhạy bén, thông thạo công nghệ, sự thích ứng trước mọi hoàn cảnh. Với những lợi thế ấy, họ được kỳ vọng là lớp người bùng nổ, có khả năng “xoay chuyển” cả thế giới. 

Thực tế cho thấy, các bạn trẻ từ năm 1995 trở đi đã làm thay đổi xu thế kinh tế, văn hóa, xã hội một cách sâu sắc, mà những sự thay đổi ấy vẫn tiếp diễn không hồi kết. Họ đem đến thế giới một luồng gió mới trong nhận thức lẫn hành động, những quan niệm bảo thủ, lỗi thời đã được thay thế bằng thế giới quan sâu rộng, tân tiến hơn. Có thể nói, Gen Z chính là những người nắm giữ vận mệnh của thời đại. 

Gen Z - một thế hệ trẻ "bùng nổ"
Gen Z – một thế hệ trẻ “bùng nổ”

Với những lợi thế đã có từ khi sinh thời, cùng với sự kỳ vọng của lớp người đi trước, các bạn trẻ thế hệ Z cần nỗ lực rất nhiều để làm bản thân nổi bật so với những người khác. Chính vì vậy, khi bước chân vào thế giới của những người trưởng thành, các kỹ năng phát triển bản thân chính là món tài sản quý báu nhất của mỗi người.

Song, mỗi thời đại một khác, kỹ năng phát triển bản thân dành cho thế hệ Z sẽ có nhiều khác biệt.

>>> Xem thêm: Các bạn trẻ ngày nay cần làm gì để nâng cao giá trị bản thân?

Những kỹ năng phát triển bản thân các bạn trẻ cần trang bị cho mình là gì?

Khi nhắc đến những kỹ năng phát triển bản thân, chúng ta hầu như đã quá quen thuộc với các cụm từ như: kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng quản trị thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự học,… Đây đều là những kỹ năng quan trọng mà bất cứ bạn trẻ trong thời đại nào cũng nên trang bị cho mình. Tuy nhiên, ra đời trong sự biến chuyển không ngừng của thời đại, các kỹ năng trên dường như là không đủ cho các bạn trẻ ngày nay. Bức tranh tổng thể về kỹ năng phát triển bản thân của thế hệ Z sẽ được tiết lộ ngay sau đây: 

Kỹ năng xác lập mục tiêu cuộc đời

Có lẽ rất nhiều người trong số chúng ta đã từng lâm vào một trong những tình cảnh dưới đây: 

  • Bạn ở một vị trí hơn năm năm, tham gia rất nhiều hoạt sự kiện và thu về không ít kinh nghiệm nhưng chưa bao giờ cảm thấy bản thân thực sự thuộc về ngành nghề này. 
  • Bạn thấy rất nhiều bạn bè cùng trang lứa bày tỏ trên Facebook về những trải nghiệm thú vị của họ trong công việc và cảm thấy ghen tị vì bản thân chưa từng có cảm giác như thế
  • Hay đơn giản hơn, bạn nộp đơn đăng ký theo học một ngôi trường chỉ vì thấy ngôi trường này được nhiều người đánh giá cao, rồi nhanh chóng nhận ra mình không hề yêu thích công việc đó…

Câu chuyện chọn sai ngành hay nghề nghiệp hẳn không phải của riêng ai. Ngày nay, không ít bạn trẻ sau khi đi làm nhiều năm mới nhận ra bản thân mình không phù hợp với công việc đang theo đuổi và bắt đầu bị hấp dẫn bởi một lĩnh vực hoàn toàn mới. Sai phương hướng có nhiều lý do nhưng đa số đều bắt nguồn từ việc chưa “xác lập mục tiêu cho bản thân”. Khi không có định hướng rõ ràng, bạn sẽ rất dễ có nhận định lệch lạc đối với một ngành nghề bất kỳ hoặc do tác động, sự thúc ép của người thân. 

Kỹ năng xác lập mục tiêu
Kỹ năng xác lập mục tiêu

Như vậy, xác lập mục tiêu là một kỹ năng phát triển bản thân cơ bản. Trước khi trang bị cho mình bất cứ kỹ năng nào, chúng ta cần phải biết những kỹ năng này giúp chúng ta đạt được điều gì. Cũng như để xây được ngôi nhà hoàn chỉnh, bạn cần phải có bản thiết kế chi tiết. 

Với việc xác lập mục tiêu cho bản thân, trước hết bạn cần phải hiểu về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân và sở thích của mình với những nghề nghiệp quan trọng:

Một trong những bí quyết đơn giản nhất để thấu hiểu mình chính là hỏi những người xung quanh (cha mẹ, bạn bè thân thiết, giáo viên,…), là những người thường xuyên tiếp xúc với bạn, họ sẽ có đánh giá khách quan hơn so với việc bạn tự nhận xét chính bản thân mình. Từ những nhận xét trên, bạn sẽ hiểu rõ cá tính của mình hơn cũng như những công việc bản thân có thể làm tốt. 

Khi đã thấu hiểu tính cách của mình, điều tiếp theo các bạn trẻ cần thực hiện là xác định mục tiêu nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo đuổi một ngành nghề không đơn giản là lựa chọn theo sở thích hoặc xu thế thời đại. Việc quan trọng nhất khi thiết lập nghề nghiệp là tìm đến các công việc nằm trong khả năng của mình và bạn có thế mạnh để phát triển sự nghiệp đó. 

Ở đây, tôi có một bật mí dành cho bạn, trong cuốn “Con đường trở thành Freelance Writer”, tác giả Linh Phan đã đề cập đến cách phân tích SWOT về bản thân. Ứng dụng với từng khía cạnh, hãy tìm hiểu xem: 

  • S – Strength: Bạn có những thế mạnh gì trong tính cách và kinh nghiệm phù hợp với công việc này, liệu những thế mạnh đó có giúp công việc của bạn trôi chảy hay không?
  • W – Weakness: Những điểm yếu nào có thể ngăn cản bạn thực hiện công việc này. Ví dụ như bạn thiếu mất kỹ năng gì mà nghề nghiệp yêu cầu? Công việc đòi hỏi nhiều kinh nghiệm nhưng bạn lại là người mới bắt đầu? Bạn ghét một khía cạnh nào đó là cần thiết cho công việc của mình? Tuy nhiên, tất cả những điều này hoàn toàn có thể cải thiện được
  • O – Opportunity: Là những lợi thế bạn đã có để hoàn thành tốt công việc. Những cơ hội vô cùng đa dạng: đó có thể là ngân sách bạn có, những mối quan hệ cá nhân, 
  • T – Threat: Trái với cơ hội, một số rủi ro có thể khiến bạn gặp khó khăn trong công việc. Tuy nhiên, những rủi ro này không đến từ bên ngoài mà nằm ở tính cách của chính bạn.

Khi xác định cụ thể về bản thân, cuối cùng bạn mới có thể tìm ra nghề nghiệp mà bản thân muốn theo đuổi trong tương lai là gì. Từ mục đích lớn đó, hãy thiết lập những mục tiêu nhỏ hơn để thực hiện. Mục tiêu đó cần phải là những điều cụ thể, có thể đo lường được theo thời gian , có khả năng trở thành hiện thực và xác định thời điểm hoàn thành rõ ràng.

Ví dụ: Mục đích của bạn là trở thành một nhà báo. Khi đó, mục tiêu để tiến đến đích cuối cùng có thể là: Hoàn thành lớp học nghiệp vụ báo chí vào năm X, cần phải có n bài đăng báo, tham gia lớp học chụp ảnh, thiết kế, …  

Kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân

Kỹ năng phát triển bản thân thứ hai mà rất quan trọng đó chính là “xây dựng thương hiệu cá nhân” – đây cũng là một điểm đột phá của thế hệ Z so với những lớp người trước. Với sự bùng nổ của công nghệ số, con người được cất lên tiếng nói của mình, nếu như trước đây, mỗi cá nhân chỉ có thể đóng vai là “người xem” hoặc “người tiếp nhận” một cách bị động các thông điệp thì ngày nay, chúng ta hoàn toàn có quyền làm chủ thông tin hay cách thể hiện mình.

Nhờ đó khái niệm “Xây dựng thương hiệu cá nhân” cũng được làn tỏa rộng rãi và được biết đến nhiều hơn. Người ta không còn quá lạ lẫm với cụm từ đó, thậm chí rất nhiều bạn trẻ cũng dần “mò mẫm” đi tìm con đường và tiếng nói riêng cho mình. Khi nhắc đến “xây dựng thương hiệu cá nhân”, người lớn thường cho rằng thuật ngữ này chỉ dành cho các doanh nghiệp trong kinh doanh, hoặc vẫn còn nhiều bạn trẻ cho rằng “Thương hiệu cá nhân” là một điều gì đó quá lớn lao và chỉ thực sự quan trọng cho những người có tầm cỡ.”

kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân đặc biệt được các bạn trẻ quan tâm
kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân đặc biệt được các bạn trẻ quan tâm

Tuy nhiên, ở thời đại mà ai cũng có thể thể hiện bản thân trên mạng xã hội, để làm bản thân nổi bật hơn chúng ta nhất định phải xây dựng một “brand” riêng cho mình và thực chất ai cũng cần ý thức được việc phải có một thương hiệu riêng. 

Xây dựng thương hiệu cá nhân thực chất là việc cố gắng giúp bản thân được nhớ đến bởi những người xung quanh theo chiều hướng tích cực. Ai cũng muốn được nhắc đến với những điều tốt đẹp, hoàn hảo và như vậy, việc ta cố gắng hướng bản thân đến những hình mẫu về cái đẹp, sự tử tế, lối sống phá cách… là một điều cần thiết

Để xây dựng thương hiệu cá nhân, mỗi chúng ta đều có cách thể hiện bản thân khác nhau. Từ những việc đơn giản nhất như trong cách ứng xử lịch thiệp, gu ăn mặc phong phú, sự chăm chỉ cần mẫn hay phức tạp hơn (có blog riêng về viết lách, mở tài khoản instagram về thời trang, …)

Kỹ năng thích ứng với mọi hoàn cảnh

Lý do sự thích ứng với mọi hoàn cảnh trở thành một kỹ năng phát triển bản thân cho thế hệ Z xuất phát từ đặc trưng của thời đại 4.0. Trong thế giới trực tuyến, các xu thế thay đổi với tốc độ chóng mặt, các xu hướng mới lạ xuất hiện ngày càng nhiều, được cập nhật theo từng giờ. Tưởng như chỉ cần rời khỏi chiếc điện thoại trong một ngày, bạn đã không biết mình vừa bỏ qua chuyện gì đâu. Cụm từ “bắt trend” có lẽ cũng vì vậy mà ra đời. Sống trong một xã hội chạy đua với thời gian như thế, con người cũng bị ảnh hưởng, “lối sống nhanh” này yêu cầu chúng ta phải biết thích nghi, không ngại dấn thân và thay đổi mình khi thời đến. 

Hãy lấy một ví dụ gần gũi hơn với các bạn trẻ: Trên thực tế, sẽ có những công việc đột xuất đến mức vào 12h đêm, bạn phải tham gia họp nhóm; hoặc khách hàng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc trong khi bạn đang có một núi việc khác không thể cho thêm; hoặc sếp của bạn yêu cầu bài viết ngay trong tối nay trong khi thời gian giao việc chưa đầy 24h,… Đó đều là những thách thức có thật mà bạn trẻ thế hệ Z nào cũng phải gặp. Nếu không thể thích ứng với những cú “lật kèo” bất ngờ này, các bạn rất dễ rơi vào trạng thái stress.

Tuy nhiên, cách thích nghi với mọi hoàn cảnh không phải chuyện ngày một ngày hai. Thế hệ Z thật sự phải trang bị tốt cho mình các kỹ năng mềm thiết yếu cùng nguồn tri thức đầy đủ để vượt qua mọi thử thách. Việc này cũng bao gồm một thái độ tự học nghiêm túc, khả năng quản lý thời gian để sắp xếp công việc khoa học, hay quản lý tài chính khi bạn thật sự phải làm chủ cuộc đời mình,…. Như vậy, cụm từ “thích nghi với mọi hoàn cảnh này” đã bao gồm rất nhiều các kỹ năng nhỏ lẻ khác. Khi có đủ tri thức, có đủ kinh nghiệm sống và kỹ năng mềm, thế hệ Z sẽ không bị những cơn sóng dữ nhấn chìm. 

Kỹ năng giải quyết các vấn đề về cảm xúc

Đi cùng với các vấn đề về cảm xúc là câu chuyện “quản lý cảm xúc” khi bước vào đời mà chúng ta vẫn thường nghe rất nhiều từ lời dạy bảo của cha mẹ hay trong các bài viết Self – help luận về sự thành công. Đối với mọi người, “quản lý cảm xúc” chính là khi chúng ta kiềm chế những tâm trạng không mong muốn để thể hiện cảm xúc phù hợp ra bên ngoài. Đi cùng với các bài học về cách điều chỉnh hành vi này là những slogan sắc nét: “Quản lý cảm xúc – chìa khóa vạn năng dẫn đến thành công”, “Thế giới này không có chỗ dành cho những kẻ yếu đuối trong tâm hồn”, …

Thậm chí, niềm tin về việc “quản lý cảm xúc” còn lớn đến mức nếu chúng ta thể hiện xúc cảm chân thực ra bên ngoài sẽ bị những người khác coi là kẻ tầm thường và bị khuyên nhủ. Sinh ra trong thời đại như vậy, các bạn trẻ luôn cố gắng kìm nén bản thân, dưới cái mác “quản lý cảm xúc”, từ đó sinh ra biết bao vấn đề nghiêm trọng về tâm lý.

Quản lý cảm xúc là kỹ năng quan trọng mà các bạn trẻ cần học hỏi
Quản lý cảm xúc là kỹ năng quan trọng mà các bạn trẻ cần học hỏi

Có vẻ là một chuyện không tưởng, nhưng “các vấn đề về cảm xúc” chính xác là một trong những thách thức lớn mà bất cứ bạn trẻ nào cũng gặp phải khi bước vào thế giới của những người trưởng thành. Một người bạn từng nói với tôi rằng: “Thế hệ Z của chúng ta chỉ đơn giản là một lớp người luôn bị vây quanh bởi những vấn đề trong tâm lý, nhưng thay vì đối mặt với chúng, ta chỉ đơn giản là gạt phăng những cảm xúc này đi và dần trở thành những cá thể vặn vẹo”. Nghe thì tiêu cực đấy, nhưng lại khái quát được hết những gì mà đa số chúng ta đang gặp phải trong một thập kỷ trở lại. 

Khi đối mặt với những cảm xúc buồn bực, sự tức giận hay sợ hãi, rất nhiều người đã chọn cách trốn tránh, hoặc vùi mình vào công việc để lấp đầy khoảng trống bên trong. Và việc đè nén cảm xúc này sẽ sinh ra nhiều chứng bệnh hơn bạn tưởng: đầu tiên là mất ngủ, thất vọng vào bản thân rồi cuối cùng là căn bệnh trầm cảm đã tước đi sinh mạng của rất nhiều học sinh, sinh viên. 

Trên thực tế, chúng ta không có cách nào xóa tan nỗi thất vọng bằng cách biến người khác trở nên tồi tệ để làm bản thân tốt lên hoặc gạt bỏ tất cả trách nhiệm của mình. Có một số cách giúp bạn giải quyết vấn đề về cảm xúc tốt hơn thay vì đè nén chúng vào bên trong: 

  • Thành thật với cảm xúc của chính mình: Lần tới khi gặp chuyện bực tức, hãy cố gắng đối diện với cảm xúc này và điểm mặt chỉ tên lí do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy. Bằng việc suy nghĩ, bạn sẽ thấy các vấn đề được giải quyết nhanh hơn. Không có gì tuyệt vời hơn là chúng ta biết chấp nhận sự thiếu sót của bản thân để đối mặt với chúng. 
  • Tìm đến các liệu pháp chữa lành: Thiền, viết lách (còn được gọi là liệu pháp viết chữa lành), âm nhạc, mỹ thuật,… đều là các phương pháp chữa lành tâm hồn hiệu quả. Hy vọng sau bài viết này, bạn có thể tìm hiểu kỹ những liệu pháp này để tìm ra cách thức phù hợp nhất cho bản thân.
  • Bạn luôn cần một chỗ dựa vững chắc: Đó có thể là bất cứ ai, một người bạn tâm giao, anh/cô người yêu tâm lý, người mẹ luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay,… bạn sẽ muốn tìm đến một người chấp nhận sự thiếu sót của mình hơn là những lời khuyên sáo rỗng. 

Việc giải quyết vấn đề cảm xúc thực chất không dễ như bạn nghĩ, bởi con người luôn không muốn chấp nhận cảm giác thất bại và thường hạ thấp giá trị bản thân. Bởi vậy, nâng lên thành kỹ năng, xử lý các vấn đề về cảm xúc thực sự là một kỹ năng phát triển bản thân quan trọng để thế hệ trẻ trở thành lớp người tích cực.

Lời nhắn gửi dành cho thế hệ của “thế giới phẳng”

Thế hệ Z sinh ra trong bối cảnh có nhiều cơ hội lẫn thách thức, chính vì vậy, các bạn trẻ thực sự gặp phải rất nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc trang bị các kỹ năng phát triển bản thân không phải là sự bắt buộc mà chính là quyền lợi của mỗi bạn trẻ để tồn tại trong một xã hội tạo nên từ sự kỳ vọng cùng nhiều định kiến của người lớn và từ chính chúng ta. 

Hy vọng rằng, bốn kỹ năng phát triển bản thân trên sẽ giúp các bạn trẻ có thể định vị đúng nhất về con người mình và sẽ là nguồn thông tin bổ ích giúp các bạn thuận lợi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời. 

————————————

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG

Địa chỉ: số 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Hotline: 024 7305 3355

Facebook: Du học cùng INDEC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *