Khám phá Anh Quốc: Top 5 địa điểm checkin không thể bỏ qua tại London

Khám phá Anh – Du học sinh Việt Nam nên bắt đầu từ những địa điểm nào? Cùng INDEC vòng quanh 5 địa điểm checkin không thể bỏ lỡ tại London nhé!

London là một trong số những thủ đô lớn và có nhịp sống hiện đại nhất tại châu Âu. Bên cạnh các điều kiện thuận lợi về kinh tế, văn hóa và môi trường thì mức sống tại đây luôn được đảm bảo, được đánh giá cao bởi các chuyên gia. London còn là địa điểm tập hợp các khối kiến trúc và công trình đồ sộ, có lịch sử lâu đời thu hút sự quan tâm và thích thú của nhiều bạn trẻ quốc tế. Một số biểu tượng đặc trưng của thành phố có thể kế đến như: tháp đồng hồ Big Ben, vòng quay khổng lồ London Eye.

Tháp đồng hồ Big Ben

Địa điểm khám phá Anh đầu tiên nằm trong “Top of Mind” của du khách quốc tế đó chính là tháp đồng hồ Big Ben – biểu tượng và là niềm tự hào của nước Anh. Nằm ở phía bắc của Tòa nhà Quốc hội, quận Westminster, London, Big Ben nổi tiếng được biết tới bởi độ chính xác cũng như tiếng chuông lớn đáng kinh ngạc của mình. Được thiết kế bởi Edmund Beckett Denison cùng các cộng sự, đồng hồ Big Ben chỉ chạy chậm không quá 1 giây trong suốt thời gian hoạt động, trải qua 5 đời vua, 23 đời thủ tướng và 2 cuộc đại chiến thế giới. Bởi vậy cho đến giờ công nghệ cơ khí tạo nên chiếc đồng hồ này vẫn khiến thế giới phải trầm trồ và thán phục.

Đồng hồ Big Ben Anh

Có một sự thật không phải ai cũng biết là Big Ben chỉ là tên gọi của chiếc chuông lớn bên trong tháp đồng hồ với trọng lượng 15,1 tấn. Còn tòa tháp trong quá khứ có tên gọi chính thức là tháp St. Stephen, cho đến năm 2012, khi nó được đổi tên thành Tháp Elizabeth, nhân dịp lễ kỷ niệm 60 năm nữ hoàng Elizabeth II cai trị trên ngai vàng. 

Đu quay khổng lồ London Eye

London Eye, tên gọi cũ là Millennium Wheel (tạm dịch là “Bánh xe thiên niên kỷ”) nằm trên bờ Nam sông Thames ở quận Lambeth, London. Từ năm 1999, London Eye được công nhận là chiếc đu quay cao nhất thế giới với chiều cao tổng thể 135 mét. Tuy nhiên cho đến thời điểm năm 2006, Star of Nanchang (ngôi sao Nanchang) nằm tại Nanchang, Trung Quốc đã vượt lên tại vị trí đứng đầu danh sách. Đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch phổ biến nhất ở London.

Đu quay khổng lồ London Eye

London Eye có đường kính 120 mét và được liên kết với nhau bằng 64 dây cáp cứng chắc, có chức năng giống như nan hoa của bánh xe đạp. Với số lượng 32 khoang chở khách được phân bố đều trên bánh xe, tương ứng với số lượng 32 quận (bao gồm cả London) tượng trưng cho hình ảnh Greater London. London Eye di chuyển rất chậm rãi và thường mất từ 1 tiếng cho 2 vòng quay hoàn chỉnh. Với những ngày bầu trời quang đãng, ta có thể quan sát được toàn bộ London với giới hạn tầm nhìn đến tận lâu đài Windsor (cách đó 40 km).

Tower of London

Tháp London, cung điện và pháo đài hoàng gia, nằm tại trung tâm London, bờ bắc của sông Thames, cực tây của quận Hamlet Tower, ngay trung tâm London. Trong lịch sử, công trình này được sử dụng như một cung điện hoàng gia, một nhà tù chính trị, một nơi hành quyết, một kho vũ khí và là một văn phòng hồ sơ công cộng. Tháp London được biết tới là một trong những di tích lịch sử được bảo tồn nguyên vẹn nhất và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1988.

Tower of London

Ngay sau khi đăng quang vào mùa đông năm 1066, William I the Conqueror bắt đầu xây dựng tòa tháp để thu hút những người lính đánh thuê bản địa và tiến hành kiểm soát khu vực cảng chính. Đằng sau bức tường thành La Mã cũ, trung tâm của công trình được gọi là Tháp Trắng vì được xây dựng bằng đá vôi từ Caen ở Normandy. Ngoài ra, còn có 13 tòa tháp bao quanh Tháp Trắng, trong đó nổi tiếng nhất là Tháp Bloody, Tháp Beauchamp và Tháp Wakefield. Bên ngoài tháp được bao quanh bởi một con hào, từng được cấp nước bởi dòng sông Thames nhưng đã bị rút cạn từ năm 1843. 

Tháp là nơi ở của hoàng gia cho đến thế kỷ 17. Vào thời Trung cổ, Tháp London trở thành nhà tù và là nơi xử tử các tội ác liên quan đến chính trị, với hầu hết các tù nhân bị xử tử trên Tháp Xanh hoặc bên ngoài lâu đài và ở nơi công cộng trên Tháp Hill. Trong số những người thiệt mạng có Sir Simon Burley (năm 1388), một cố vấn và gia sư của Richard II; chính khách Edmund Dudley (1510); nhà nhân văn Sir Thomas More (1535); người vợ thứ hai của Henry VIII v.v…. Trong Thế chiến I, một số điệp viên đã bị xử tử tại đó bằng cách bắn đội hình. Cũng bởi lịch sử đẫm máu như vậy, tháp London được coi là nơi ma ám đáng sợ nhất tại Anh với nhiều hiện tượng kỳ lạ và chưa thể giải thích được bằng khoa học.

Ngoài việc tham quan quần thể các tòa tháp cổ, các bạn cũng có thể được tận mắt chiêm ngưỡng những bộ sưu tập hoàng gia như: bộ vương miện quyền lực, vật phẩm được sử dụng trong nghi lễ hoàng gia với lịch sử kéo dài từ thế kỷ 12… Nổi bật trong đó có thể nhắc tới chiếc mũ miện Imperial State, được đính hơn 3000 viên đá quý bao gồm cả viên kim cương lớn thứ 4 trên thế giới, hay chiếc mũ miện bạch kim của người mẹ quá cố Nữ hoàng với viên kim cương Ấn độ 105 carat Koh-i-Noor (Núi Ánh sáng), được tương truyền là sẽ mang đến may mắn cho phụ nữ.

Cung điện Buckingham

Cung điện Buckingham, nơi làm việc của nữ hoàng Elizabeth II, là dinh thự nổi tiếng nằm tại Westminster, London. Cung điện được lấy theo tên ngôi nhà được xây dựng (khoảng năm 1705) cho John Sheffield – công tước xứ Buckingham. Vào năm 1762, George III đã mua lại ngôi nhà cho vợ mình – nữ hoàng Charlotte. Tuy nhiên, đến năm 1820, John Nash đã khởi xướng việc chuyển đổi ngôi nhà thành cung điện theo lệnh của George IV. Cung điện Buckingham được công nhận là dinh thự chính thức của hoàng gia Anh từ năm 1837.

Cung điện Buckingham

Đi vào bên trong Cung điện Buckingham bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những điều thú vị về cuộc sống Hoàng gia. Với 775 phòng, bao gồm 19 phòng Nghi lễ và 78 phòng tắm. Phòng Nghi lễ (State room) là phòng sinh hoạt chung của Hoàng gia được trang hoàng với các tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập của hoàng gia, bao gồm trứng Fabergé hay các bức vẽ của Leonardo da Vinci… Đây cũng là nơi dùng để đón tiếp những người có chức sắc ghé thăm. Theo truyền thống, phòng Nghi lễ sẽ đóng cửa nhưng nó đã từng được mở cho khách du lịch trong tháng 8 và tháng 9 vào giữa những năm 90 để tài trợ cho việc sửa chữa lâu đài Windsor, nơi đã bị hỏa hoạn vào năm 1992. Phòng ngai vàng cũng vô cùng rực rỡ và quý phái khi được trang hoàng với 2 tông  màu chủ đạo là vàng và đỏ. Đây cũng là căn phòng dẫn đến ban công phía Đông, nơi Hoàng gia sẽ xuất hiện trước mặt công chúng trong các sự kiện đặc biệt quan trọng.

>>> Xem thêm: Khám phá Anh 4 lý do khiến Anh luôn là điểm đến du học hấp dẫn

Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich

Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, đài thiên văn được đưa vào hoạt động chính thức năm 1676 và đóng cửa vào năm 1998, đây là tổ chức nghiên cứu khoa học lâu đời nhất tại Anh. Vào năm 1675, công trình được thành lập với mục đích chuyển hướng bởi vua Charles II tại Greenwich vì vị trí đặc biệt là nơi kinh tuyến gốc (kinh tuyến 0) đi qua, là nơi chia cắt Đông bán cầu và Tây bán cầu của Trái đất và cũng là điểm khởi đầu cho các múi giờ quốc tế. Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich có vai trò quan trọng trong việc điều hướng thiên văn học, thời gian trong thực tế, xác định vị trí ngôi sao và xuất bản niên giám.

Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich

Đài quan sát dần dần được chuyển từ Greenwich sang Herstmonceux ở Sussex từ năm 1948 đến 1957, sau đó được chuyển đến Viện Thiên văn học của Đại học Cambridge vào năm 1990. Để cắt giảm chi phí, Hội đồng nghiên cứu vật lý và thiên văn hạt đã quyết định đóng cửa đài thiên văn vào tháng 10 năm 1998. Đài thiên văn cũ được đổi tên thành Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, mở cửa cho công chúng thăm quan và được quản lý bởi Bảo tàng Hàng hải Quốc gia.

Là một phần của công viên Greenwich, đài thiên văn nằm trên một quả đồi ở trung tâm công viên. Bên trong đài còn lưu giữ rất nhiều hiện vật và đồng hồ mang tính chất lịch sử được đưa trở lại từ Cambridge, ghi lại những mốc lịch sử quan trọng trong quá trình làm việc và hoạt động của những nhà khoa học trong lĩnh vực thiên văn học. Toàn bộ Greenwich, khu nhà Nữ hoàng, Bảo tàng Hàng hải quốc gia, Học viện Hải quân hoàng gia và một phần thành phố London đều được thu lại và có thể quan sát bao quát từ đài thiên văn. 

Hi vọng rằng những địa điểm khám phá Anh đã gợi ý ở trên sẽ đem đến cho các bạn sinh viên những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa, lịch sử tại Anh quốc, trong thời gian du học. Chúc các bạn có những chuyến đi hữu ích và thú vị.

___________________________________________________

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG

Địa chỉ: Tòa nhà INDEC, ngõ 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 0967 20 77 55

Facebook: Du học cùng INDEC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status