Hàng năm, có 600 đến 800 học sinh trường ĐH Bách Khoa TP HCM đã thôi học do không cảm thấy phù hợp với ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Đây cũng là tình trạng tương tự đối với trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng trên đó chính là “Các bạn học sinh, sinh viên chưa thực sự hiểu rõ vai trò của hoạt động hướng nghiệp”.
Thứ 2, ngày 14/12/2020, công ty Du học INDEC – đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực Hướng nghiệp đã phối hợp cùng trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm Hà Nội, tổ chức hội thảo “HƯỚNG NGHIỆP – CÁCH NHẬN DIỆN BẢN THÂN VÀ XÂY DỰNG HÀNH TRÌNH NGHỀ NGHIỆP” cho các em học sinh khối 12.
Buổi hội thảo với sự tham gia của diễn giả Phạm Thùy Chi – Chuyên viên hướng nghiệp, Nhà sáng lập Dự án Hướng nghiệp trẻ, đồng thời là Nhà sản xuất các chương trình hướng nghiệp dành cho học sinh THPT của kênh truyền hình Giáo dục VTV7 như Trường Teen, Thiếu niên nói, Cha mẹ thay đổi…
Hội thảo “Hướng nghiệp – Các nhận diện bản thân và xây dựng hành trình nghề nghiệp” tại THPT Trần Phú
Mở đầu chương trình, chị Chi Phạm đã gửi gắm đến các bạn học sinh lời nhắn nhủ về việc lựa chọn ngành nghề học phù hợp, trước những biến động không dự đoán trước của thị trường lao động: “Nhận diện đúng về bản thân là yếu tố duy nhất để giúp các bạn đạt được những thành tựu bền vững trên con đường phát triển sự nghiệp”.
Trong thời gian hơn 1 tiếng hội thảo diễn ra, chị Chi Phạm đã chia sẻ những kiến thức thực tiễn về bức tranh tổng quan của thị trường lao động Việt Nam và phương pháp nhận diện được điểm mạnh, điểm yếu về bản thân, giúp các bạn nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn lĩnh vực ngành nghề phù hợp.
Phần 1: Bức tranh về thị trường lao động Việt Nam từ năm 2019 đến năm 2030.
Theo kết quả nghiên cứu của trung tâm phát triển nguồn nhân lực quốc gia tại TP HCM: “Năm 2020, thị trường lao động Việt Nam được phân chia cho 4 nhóm đối tượng với tỉ lệ: 22% sinh viên tốt nghiệp đại học, 25% sinh viên tốt nghiệp sơ cấp nghề – học 6 tháng, 19% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và 34% sinh viên tốt nghiệp trung cấp nghề – học 1 đến 2 năm”. Như vậy, từ kết quả trên, các bạn có thể thấy: “Đại học không phải con đường duy nhất để có được một công việc và bằng cấp không phải yếu tố duy nhất để quyết định tỷ lệ lao động có được việc làm”.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực của thị trường lao động trải rộng ở nhiều lĩnh vực đa dạng như ngành thương mại, tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, giáo dục, du lịch, kinh doanh, dịch vụ tư vấn, bất động sản, đầu tư, khoa học công nghệ, nghiên cứu & triển khai, dịch vụ vận tải kho bãi…, không tập trung cụ thể vào một số ngành nghề nhất được, được xem là xu hướng phát triển mới.
Như vậy, thị trường Việt Nam luôn mang lại những cơ hội việc làm đa dạng, tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi, hiệp định AFTA – khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN sẽ làm thay đổi thị trường lao động Đông Nam Á trở thành thị trường phẳng. Tại đây, người lao động có thể làm việc ở bất cứ đất nước nào (khu vực ASEAN), trong đó có Việt Nam và không gặp rào cản về thuế quan. Điều này khiến các em phải đối mặt về vấn đề cạnh tranh việc làm với lực lượng lao động chất lượng cao từ nhiều quốc gia phát triển như Singapore, Australia, Malaysia hay Indonesia.
Học sinh Việt Nam sẽ phải cạnh tranh việc làm với lực lượng lao động chất lượng cao đến từ khối ASEAN
Đặc biệt, tháng 8/2020, diễn đàn kinh tế thế giới đã công bố những con số báo động về những ảnh hưởng của công nghệ hóa 4.0 và Covid 19 đến sự thay đổi cơ cấu việc làm trên thế giới cũng như Việt Nam:
- 85 triệu việc làm bị mất đi trên toàn thế giới.
- 1000 nhân viên ngân hàng VP Bank bị sa thải vào tháng 4/2019.
- 97 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện trong khoảng từ năm 2025 đến 2030.
- 33% việc làm của con người đã bị thay thế bằng các dây chuyền công nghệ, máy móc và robot vào năm 2020. Theo dự kiến, đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 47%. Điều này có nghĩa gần một nửa số công việc của con người sẽ được thay thế hoàn toàn.
Đứng trước những biến động của thị trường, chị Chi Phạm đã nhắn nhủ các em học sinh cần xác định được lợi thế cạnh tranh của bản thân và tập trung trau dồi kiến thức, kỹ năng để làm nổi bật lợi thế với các nhà tuyển dụng. Hướng nghiệp là hành trình dài mà mỗi người đều phải tự mình khám phá, tự mình trải nghiệm. Lựa chọn ngành nghề thông qua quyết định ngẫu nhiên theo xu hướng tuyển dụng của xã hội hay lời khuyên của một cá nhân nào đó là nguyên nhân chính dẫn đến việc học trái ngành, trái nghề; nhảy việc và thất nghiệp.
Câu chuyện về trường đại học Bách Khoa Hà Nội là một trường hợp điển hình của việc sinh viên chọn sai ngành học. Theo thầy Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hàng năm, có 600 đến 800 sinh viên đã thôi học do cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành học đã chọn”. Câu chuyện này cũng xảy ra tương tự đối với sinh viên trường đại học Tài chính – Marketing TP HCM.
Sau khi các em học sinh đã hiểu rõ về bức tranh toàn cảnh bức tranh thị trường lao động Việt Nam, trong phần thứ 2, chị Chi Phạm đã chia sẻ về những phương pháp giúp các em nhận diện và thấu hiểu bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp mang tên “Hiểu mình thông qua trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp John Holland”.
Phần 2: Hiểu mình thông qua trắc nghiệm định hướng nghề nghiệp John Holland
Holland Code được xây dựng trên nền tảng lý thuyết đặc tính nghề của tiến sĩ John Holland, đã được sử dụng rộng rãi trên nhiều quốc gia từ những năm 60 và tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Công cụ trắc nghiệm “Định hướng nghề nghiệp theo Holland” giúp các em tìm hiểu về đặc tính nghề nghiệp của mình dựa trên sở thích tự nhiên. Qua đó, các em sẽ từ từ nối được với sự hiểu biết thế giới nghề nghiệp để ra quyết định nghề nghiệp phù hợp nhất cho bản thân tại từng thời điểm.
Học sinh trường THPT Trần Phú tham gia hoạt động Hướng nghiệp ngày 14/12/2020
Theo bài test trắc nghiệm “Định hướng nghề nghiệp của Holland”, mỗi cá nhân đều có những điểm mạnh, điểm yếu thuộc 6 nhóm lĩnh vực ngành nghề gồm có: Kỹ thuật, nghiên cứu, nghệ thuật, xã hội, quản lý và nghiệp vụ.
Nhóm kỹ thuật – Người hành động:
Nhóm kỹ thuật là những bạn thích vận động thể thao, có năng khiếu làm việc tốt về máy móc, công cụ, vật thể hoặc thích làm việc ngoài trời. Các bạn thường có thành tích học nổi trội ở các bộ môn thiên về thực hành, không thích những môn học lý thuyết – đặc biệt là những môn học thuộc.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các bạn là những người thực tế, đơn giản, ít nói và kiên định và các thao tác về vận động khéo léo.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm kỹ thuật:
- Kiến trúc/ Xây dựng
- Huấn luyện viên
- Ngành nghề về cơ khí
- Ngành nghề về nông – lâm nghiệp
- Chế tạo máy móc
- Lập trình viên
Nhóm nghiên cứu – Người tư duy
Nhóm nghiên cứu là những bạn thích đọc sách, hay đặt ra những câu hỏi nhưng không bao giờ thỏa mãn với những trả lời. Chính vì vậy, các bạn có xu hướng tự học, tự tìm hiểu và nghiên cứu các vấn đề bản thân quan tâm. Các bạn có năng khiếu về các môn thuộc khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các bạn có tư duy logic và khả năng tự học, làm việc độc lập rất tốt. Bên cạnh đó, nhược điểm lớn nhất của nhóm nghiên cứu là các bạn thường ít nói, có xu hướng không muốn trình bày ý kiến cá nhân. Các bạn thường trội hơn về khả năng tự học, tự tổ chức nghiên cứu, khả năng nghiên cứu, phân tích sắc bén.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm nghiên cứu:
- Nha sĩ/ Dược sĩ/ Bác sĩ.
- Kỹ sư
- Giảng viên đại học/ thạc sĩ/ tiến sĩ.
- Nhà phân tích tài chính/ chứng khoán/ Big Data
Chị Chi Phạm chia sẻ với các bạn học sinh trường Trần Phú về mật mã Holland
Nhóm nghệ thuật – Người kiến tạo
Nhóm nghệ thuật là những bạn thích đánh giá trực quan, thích thể hiện qua ngôn ngữ hoặc các hoạt động liên quan đến con người. Các bạn không có thiện cảm với các hoạt động rõ ràng, có hệ thống, được yêu cầu hoặc đã lên kế hoạch từ trước.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các bạn là người sáng tạo, độc lập, sức tưởng tượng phong phú và có khả năng về nghệ thuật.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm nghệ thuật:
- Thời trang
- Thiết kế đồ họa
- Phóng viên
- Nhiếp ảnh
- Ca sĩ, diễn viên
- Chuyên viên trang điểm
Nhóm xã hội – Người giúp đỡ.
Nhóm xã hội là những bạn thích làm việc cùng con người, thích soi sáng, giúp đỡ, truyền đạt thông tin và huấn luyện, hoặc chữa trị cho người khác.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các em là người có tinh thần hợp tác, thân thiện, tốt bụng, nhạy cảm và thích lắng nghe, tâm sự với người khác.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm xã hội:
- Giảng viên
- Huấn luyện viên
- Tư vấn dịch vụ
- Bác sĩ chuyên khoa
- Nhân sự
- Chuyên gia xã hội học
Nhóm quản lý – Người dám nghĩ, dám làm
Nhóm quản lý là những bạn thích làm việc cùng con người, thích mang lại sức ảnh hưởng, thuyết phục, lãnh đạo hoặc quản lý con người vì một mục đích của tổ chức hoặc lợi ích kinh tế.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các bạn là người quyết đoán, tự tin, năng động, thích giao lưu, ưa mạo hiểm, có khả năng tạo ảnh hưởng, thuyết phục người khác.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm quản lý:
- Những ngành nghề về quản trị kinh doanh.
- Quản lý giáo dục
- Marketing
- Thông dịch viên
- Luật sư
Nhóm nghiệp vụ – Người sắp xếp
Nhóm nghiệp vụ là những bạn thích làm việc với dữ liệu, con số và công cụ lưu trữ, sắp xếp.
Đặc điểm tính cách của nhóm: Các bạn là những người sống thực tế, có tổ chức, tỉ mỉ, chính xác và ngăn nắp.
Một số ngành nghề phù hợp với nhóm nghiệp vụ:
- Giáo viên
- Kiểm toán/ Kế toán.
- Luật sư
- Các nhà hoạch định
- Các nhà điều hành
Sau khi hướng dẫn học sinh khối 12 cách thức để hiểu đúng 6 nhóm nghề nghiệp trong mật mã Holland, chị đã cùng các bạn trao đổi thông tin và đưa ra những giải đáp cho các câu hỏi thắc mắc về khó khăn trong quá trình nhận diện bản thân và tìm kiếm ngành nghề.
Thay mặt ban tổ chức, Du học INDEC xin gửi lời cảm ơn trân trọng nhất đến với chị Chi Phạm và ban giám hiệu trường THPT Trần Phú đã phối hợp trong suốt giai đoạn chuẩn bị, cũng như thực hiện chương trình, đặc biệt là sự đồng hành của hơn 680 bạn học sinh. Du học INDEC hi vọng rằng, sau khi hội thảo “HƯỚNG NGHIỆP – CÁCH NHẬN DIỆN BẢN THÂN VÀ XÂY DỰNG HÀNH TRÌNH NGHỀ NGHIỆP” kết thúc, các bạn học sinh sẽ tự tin và có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn trong việc đón nhận những thay đổi mới trong quãng thời gian sau cánh cửa THPT.
Nếu các em có câu hỏi thắc mắc trong quá trình nhận diện bản thân và lựa chọn ngành học, các em có thể liên hệ với ban tổ chức theo địa chỉ:
Du học INDEC:
Gmail: support@indec.vn
Fanpage: Du học cùng INDEC
Hotline: 024 373 27204
Chị Phạm Thùy Chi
Gmail: thuychi69@gmail.com
Một số hình ảnh khác về buổi hội thảo Hướng nghiệp tại trường THPT Trần Phú