Những câu chuyện nhỏ "thắp sáng" mùa dịch

Những câu chuyện tích cực trong mùa đại dịch chính là mầm cây xanh, tuy nhỏ bé nhưng lại mang lại sức sống không hề nhỏ, tạo động lực giúp chúng ta vượt qua dịch bệnh. Hãy cùng INDEC điểm lại những câu chuyện đã thắp sáng cả mùa dịch tối tăm nhé!

>>Dịch Covid-19: Đừng chỉ nhìn vào tiêu cực mà bỏ quên những điều tích cực từ dịch bệnh này

Chạy Maraton, đi bộ để quyên góp tiền cho nhân viên y tế

Sau khi xem được phóng sự về một người Anh chạy marathon trong vườn nhà để gây quỹ hỗ trợ cho những người nghèo trong đại dịch, chú bé Steven Burgess ở bang Bắc Carolina, Mỹ, đã tuyên bố với mẹ mình rằng, cậu cũng sẽ làm được như thế. Trước sự ngạc nhiên của mẹ, Steven đã chạy vài tiếng trong khu vườn nhà mình. Mẹ Steven viết trên Facebook: “Tôi nghĩ thằng bé chỉ chạy trong chừng 20 phút là cùng, nhưng nó đã chạy hơn 1 tiếng rưỡi. Kể cả khi nghỉ một chút để ăn hay uống, Steven vẫn nhúc nhắc chân”.

Bài viết của mẹ Steven được rất nhiều người ủng hộ. Khi Steven về đích (một sợi dây nylon căng ra trong vườn), cậu bé đã quyên được 1.500 USD. Số tiền này sẽ được gia đình Burgess gửi tới các tổ chức từ thiện và nhân đạo trong dịp này.

Cách đó mấy nghìn cây số, tại Anh, một cựu chiến binh của Thế chiến II cũng tạo ra một điều kì diệu theo cách của riêng mình. Đại uý Tom Moore, năm nay, 99 tuổi, lên kế hoạch sẽ đi bộ mỗi ngày 50 mét cho đến cuối tháng này nhằm kỉ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông. Với nỗ lực của mình, ông đã làm được điều ấy, dù năm ngoái, ông bị ngã và chấn thương hông.

Những câu chuyện nhỏ "thắp sáng" mùa dịch

Dự định ban đầu của ông chỉ là kêu gọi quyên góp được 1 nghìn bảng (1.200 USD) nhưng cho đến giờ, đã có gần 1 triệu người quyên góp. Số tiền lúc này đã lên đến hơn 20 triệu bảng (24 triệu USD), một con số mà ông mà cháu gái ông, người cùng tổ chức chiến dịch này trên trang web JustGiving, không thể tin nổi.

Cảm động vì những điều cựu chiến binh Moore đã làm, hơn nửa triệu người Anh đã kí tên vào một thỉnh nguyện để Hoàng gia Anh phong chức Hiệp sĩ cho ông.

“Những tôi làm không phải để cho tôi”, Tom Moore nói. “Tôi làm là vì mọi người, vì các bác sĩ và y tá. Họ là những người ở tuyến đầu và chúng ta ở phía sau, hỗ trợ họ, cung cấp cho họ những gì họ cần, và nói với họ rằng, họ đang làm rất tốt công việc của mình”…

Người Ý “hát cho nhau nghe” bên ban công

Những ngày này, các cửa sổ và ban công là bộ mặt của nước Ý. Đấy là nơi mà người Italia cho thế giới thấy, họ không chỉ đang sống, mà còn sống khoẻ, vui vẻ, lạc quan. Và dù những con số liên quan đến bệnh dịch có bi thương như thế nào đi nữa, nụ cười của họ vẫn khẳng định một chân lý trường tồn về giá trị sống: khó khăn là để đối mặt và sau đó, vượt qua.

Trên những ban công ấy, người ta hát vang những bài ca hy vọng, họ hôn nhau, chơi với con cái, đọc sách, tắm nắng. Việc nước Ý tiếp tục phong toả để ngăn chặn dịch bệnh lây lan tước đi của họ sự tự do đi lại và những cái ôm, những buổi tụ tập song không làm cho tình yêu cuộc sống của họ mất đi.

Một phóng sự của nhiếp ảnh gia Marco Cremascoli được thực hiện ở những ban công và cửa sổ ở Milano, tâm dịch của nước Ý, đã cho thấy điều ấy. Phong toả không có nghĩa là giam cầm. Những tương tác giữa người với người càng diễn ra mạnh mẽ hơn, trong vài mét vuông cửa sổ và ban công.

Những câu chuyện nhỏ "thắp sáng" mùa dịch

Anh nói với nhật báo Corriere della Sera: “Từ những ngày đầu nước Ý phong toả, tôi đã thực hiện nhiều phóng sự ảnh. Thế rồi em trai tôi đề nghị tôi hãy chào mọi người đang đứng cạnh cửa sổ. Thế là tôi nghĩ ra dự án này, đề nghị bạn bè và người thân ra cửa sổ để tôi chụp ảnh”. Dự án ảnh có tên “Affacciatevi” (tạm dịch “Ló mặt đi”) ra đời như thế với rất nhiều chuyện vui trong đó. Chẳng hạn một hôm, một người bạn tặng Cremascoli một vài thứ để ăn, hoặc một ông bạn khác thì vui tính đến mức tặng anh cả một… xô nước!

Trong một buổi chụp ảnh đồng nghiệp cũ của vợ mình, Cremascoli có “nhiệm vụ” mang về cho vợ một món quà. Vợ anh lẫn người đồng nghiệp cũ ấy lâu này chưa gặp. Thế là cô để món quà vào một cái rổ rồi dùng dây để đưa xuống cho anh. “Đấy là một điều thật tuyệt vời”, anh nói…

Niềm vui từ những lon bia

Khi một cụ bà 93 tuổi ở Pennsylvania, Mỹ, cầm một lon bia Coors Light và giơ ra một tấm biển có ghi dòng chữ “Tôi muốn thêm bia”, có lẽ bà không thể nghĩ là một lúc nào đó, sẽ có rất nhiều bia được gửi đến nhà mình.

Chuyện xảy ra mấy hôm trước, khi tấm ảnh chụp bà Olive Veronesi với tấm biển nói trên được một người họ hàng của bà chia sẻ và ngay lập tức gây sóng trong cộng đồng mạng ở Mỹ. Bà Veronesi là người rất thích uống bia, nhưng vì đang thực hiện tự cách ly xã hội ở nhà nên bà không thể tự đi mua bia như bình thường được.

Những câu chuyện nhỏ "thắp sáng" mùa dịch

Tấm ảnh này được đăng trên trang fanpage của kênh CBS ở Pittsburg, Mỹ và được chia sẻ hơn 5 vạn lần, cùng với hàng nghìn lời bình luận. Ngay lập tức, hãng Coors đã đáp lại lời “kêu gọi” của bà Veronesi và gửi đến cho bà 150 lon bia, đủ để bà uống đến hết dịch. Trả lời phỏng vấn của kênh CBS News, đại diện của Coors nói: “Kể cả nếu không có dịch, chúng tôi vẫn sẽ đáp ứng yêu cầu của bà Olive. Nhưng trong hoàn cảnh bất thường này, việc đem đến niềm vui cho ai đó chính là điều ít nhất chúng tôi có thể làm được”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh CBS, bà Veronesi nói: “Tối nào tôi cũng uống bia. Uống bia là để vui vẻ và tôi nghĩ là điều này rất tốt cho một quý bà trẻ trung”. Một câu trả lời đầy hài hước và yêu đời…

“Cuộc phiêu lưu” của chú gấu Ruf Ruff ở khách sạn

Khi một cô bé 2 tuổi để quên chú gấu bông yêu quý mang tên Ruff Ruff ở một khách sạn sau chuyến đi cùng với bố mẹ, có lẽ bé và không ai trong nhà bé có thể hình dung ra rằng, chú gấu ấy đã có một hành trình đẹp thế nào để trở về với chủ nhân.

Allison Kuykendall, mẹ cô bé, đã gọi điện cho khách sạn mà gia đình cô đã ở tại bang Virginia trong mấy hôm, và được trả lời rằng, chú gấu được tìm thấy và sẽ được gửi lại cho gia đình trong thời gian ngắn nhất. Thế rồi phần hay nhất của câu chuyện bắt đầu.

3 ngày sau cú gọi, một cái hộp được gửi tới nhà Allison và cô bé Juniper đã vô cùng sung sướng khi thấy Ruff Ruff thân yêu của mình trong chiếc hộp. Trong hộp còn có một hộp chocolate, một bức thư và 5 tấm ảnh phóng to cho thấy chú gấu Ruff Ruff đã trải qua một kì nghỉ thú vị thế nào tại khách sạn.

Bức thư viết: “Juniper yêu quý, cám ơn cháu đã cho cô chú mượn Ruff Ruff trong một ngày. Ruff Ruff đã giúp cô chú rất nhiều ở khách sạn đấy. Nhưng đừng lo, gấu Ruff Ruff bận rộn lắm đâu và cô chú cho bạn ấy chơi rất nhiều. Gấu rất nhớ cháu. Cám ơn và hy vọng cháu và Ruff Ruff sẽ sớm quay lại thăm cô chú. Yêu quý, nhân viên khách sạn Doubletree”.

Trong các tấm ảnh, Ruff Ruff đang nằm tắm nắng bên bể bơi, đang nghe điện thoại ở khu lễ tân, đang nằm trong phòng nghỉ và đang làm việc trong khách sạn. Ý tưởng Ruff Ruff đi chơi trong khách sạn là của một số nhân viên yêu trẻ con và một giám đốc marketing của khách sạn. Kevin Smith, Giám đốc khách sạn nói với tờ Washington Post rằng, sau câu chuyện về Ruff Ruff, anh đã nghĩ đến việc sẽ cho tất cả những đồ chơi bị thất lạc của trẻ trong khách sạn của mình thực hiện những “cuộc phiêu lưu” thú vị trước khi chúng được gửi tới cho trẻ.

Anh nói: “Thật tuyệt khi nghĩ rằng, chúng tôi có thể giúp cho trẻ em cười”…

Nguồn sưu tầm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status