3 bước lập kế hoạch cho bản thân giúp bạn hoàn thành mọi mục tiêu khó nhằn

Lập kế hoạch cho bản thân, có thể bắt nguồn từ những công việc đơn giản nhất: thiết lập thời gian biểu hàng ngày, lịch trình ôn thi cuối kỳ, kế hoạch săn học bổng cho đến những công việc kéo dài hàng tháng, hàng năm trời. Tuy nhiên, cho dù kế hoạch đó là gì, đích đến cuối cùng của chúng ta vẫn luôn là nỗ lực để hoàn thành công việc, tiếp theo đó là hoàn thiện mình. Vậy bạn đã từng suy nghĩ đến việc lập kế hoạch cho bản thân hay chưa?

khám phá bản thân

Chúng ta nên nghĩ gì về kế hoạch cho bản thân?

Khi nhắc tới “Kế hoạch cho bản thân”, chúng ta có thể liên hệ đến “kế hoạch cho cuộc đời”, là một cuộc hành trình kéo dài nhiều năm để bản thân mỗi người đạt được một thành tựu nhất định. Nghe thì có vẻ to lớn đấy, nhưng chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đã từng, đang hoặc sẽ có ước mơ cho mình. Bạn có thể từng hy vọng rằng bản thân sẽ đủ giỏi để đỗ trường chuyên, bạn có thể mơ ước mình trở thành một nhà truyền thông, một nhà toán học, nhà thiết kế hay bất cứ công việc gì là thế mạnh bạn đang có. Xa hơn nữa, bạn có thể đang mong mình có thật nhiều tiền, một căn biệt thự ven biển tràn ngập ánh mặt trời. Cũng có những bạn trẻ nuôi trong mình lý tưởng kiến tạo xã hội văn minh, công bằng cho tất cả mọi người. Mơ ước dù lớn hay bé thì vẫn luôn là động lực để chúng ta cố gắng. Nhưng khi cảnh đẹp đã hiện ngay trước mắt, chúng ta phải làm thế nào để bước tới nơi đây?

lập kế hoạch bản thân

Câu trả lời hoàn hảo nhất chính là bạn hãy vẽ ra cho mình một con đường, hoặc những nấc thang vững chắc dẫn lối bản thân. Hay nói cách khác, chúng ta không thể có được điều gì nếu như không định sẵn kế hoạch cho bản thân. Một kế hoạch tốt phải bao gồm những mục tiêu lớn nhỏ khác nhau để giúp bạn tiến tới thành công và thời hạn cụ thể cho từng mục tiêu đó. Những nhiệm vụ nhỏ nhặt này có thể không là gì so với vị trí mà bạn đang hướng tới, nhưng chắc chắn, đó chính là những viên gạch đầu tiên trên con đường mà bạn đang xây.  

Lập kế hoạch cho bản thân là cơ hội để chúng ta nhìn nhận bản thân và dõi theo sự tiến bộ của mình. Vì vậy, việc lập kế hoạch không chỉ nên nhìn theo chiều hướng hạn hẹp – sự quy về những kế hoạch để đảm bảo một công việc nhỏ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn, cũng không nên trở thành một sự áp lực đối với bất cứ ai. Thay vào đó, chúng ta nên thấy rằng, một kế hoạch sẽ giúp bạn định hướng rõ con đường mình sắp đi, mọi khó khăn sẽ được liệu trước, và như vậy, đó chính là cơ hội mà chúng ta nên nắm bắt. 

Lập kế hoạch cho bản thân theo từng bước

Thấu hiểu bản thân mình

Bạn đã bao giờ nghe đến quy tắc Pareto hay chưa? Quy tắc này chỉ ra rằng, chỉ có 20% nhân tố sẽ quyết định 80% kết quả cuối cùng. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm ra những nhân tố đó. Thực vậy, trong quá trình lập kế hoạch cho bản thân, bạn sẽ thấy có rất nhiều yếu tố giúp mình tốt hơn trong tương lai. tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng có cơ hội trải nghiệm ở tất cả lĩnh vực đó. Chắc chắn sẽ có một số nhân tố đóng vai trò quan trọng hơn cả – tất cả đều đến từ bản thân mình mà ra. Bởi vậy, trước khi xác lập mục tiêu cho bản thân, chúng ta cần phải hiểu mình trước. 

Chúng ta có bao nhiêu cách khách quan nhất để thấu hiểu bản thân mình? Tất nhiên, nếu bạn đủ nhạy bén, bạn hoàn toàn có thể tự hiểu bản thân mình là ai, điều mình đang hướng tới là gì và làm gì để không lạc lối. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng đủ khả năng làm điều này, vì chúng ta đều có chung một vấn đề – hay hạ thấp bản thân. Chính vì vậy, một trong những bí quyết đơn giản và khách quan hơn chính là hỏi những người xung quanh (cha mẹ, bạn bè thân thiết, giáo viên,…), là những người thường xuyên tiếp xúc với bạn để nhận lại những nhận xét xác thực nhất. Từ những nhận xét trên, bạn sẽ hiểu rõ cá tính của mình hơn cũng như những công việc bản thân có thể làm tốt. 

Nghề nghiệp và tính cách – mối quan hệ không thể tách rời

Trên thực tế, việc theo đuổi một ngành nghề không đơn giản là lựa chọn theo sở thích hoặc xu thế thời đại hoặc bạn cảm thấy mình phù hợp là có thể theo đuổi. Điều quan trọng nhất sau khi đã có cái nhìn khách quan về bản thân thì bạn nên tìm hiểu, liệu công việc bạn hướng đến có nằm trong khả năng bản thân thực hiện được không. 

lập kế hoạch bản thân

Trong cuốn “Con đường trở thành Freelance Writer”, tác giả Linh Phan đã đề cập đến cách phân tích SWOT về bản thân (S – Strength, W – Weakness, O – Opportunity, T – Threat). Như vậy, khi áp dụng với bản thân trong thực tế, bạn sẽ thực hiện theo hình thức dưới đây:

S – Strength: Nhận biết bản thân có những thế mạnh gì trong tính cách và kinh nghiệm phù hợp với công việc này, liệu những thế mạnh đó có giúp sự nghiệp của bản thân trôi trôi chảy hay không?

W – Weakness: Những điểm yếu ngăn cản bạn thực hiện công việc trong mơ. Tuy nhiên, những điểm yếu này là yếu tố bạn hoàn toàn có thể cải thiện được nhưng cần thời gian và nỗ lực lớn. Ví dụ như bạn thiếu mất kỹ năng gì mà nghề nghiệp yêu cầu? Bạn ghét một khía cạnh nào đó nhưng vô cùng quan trọng trong công việc? Bạn còn thiếu kinh nghiệm trầm trọng? … 

O – Opportunity: Là những lợi thế có sẵn giúp bạn hoàn thành tốt công việc. Những cơ hội có thể vô cùng đa dạng, đều đến từ nguồn lực chúng ta có: đó có thể là ngân sách bạn có, những mối quan hệ cá nhân, …. 

T – Threat: Trái với cơ hội, một số rủi ro có thể cản bước bạn trong công việc. Tuy nhiên, những rủi ro này không đến từ bên ngoài mà nằm ở tính cách của chính bạn. Ví dụ như bạn có thể là người quá nóng tính, khó kiềm chế cảm xúc ở những công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn cao

Sau khi thấu hiểu bản thân mình và biết được mối liên hệ giữa tính cách và nghề nghiệp, bạn có thể lựa chọn nghề sáng suốt hơn và xác định mục tiêu nghề nghiệp rồi đó. Bởi vậy hãy đến phần tiếp theo để tìm hiểu xác định mục tiêu nghề nghiệp quan trọng thế nào bạn nhé.

>>> Xem thêm: Giải mã tính cách và sự nghiệp với trắc nghiệm Holland

Xác lập mục tiêu nghề nghiệp – tưởng tượng người mình muốn trở thành

Tất nhiên, trước khi lập kế hoạch chi tiết, điều bạn cần làm là hiểu rõ bản thân muốn thực hiện điều gì. Khi bạn đặt mục tiêu ba năm thì hãy tưởng tượng xem con người bạn sẽ trở thành thế nào trong nửa năm tới, cho đến một năm sau và ở năm cuối cùng. Không có tiêu chuẩn nào cho việc đặt mục tiêu bao xa, tất cả tùy vào điều kiện và ước mơ của bạn. Ý nghĩa của sự tưởng tượng chính là giúp chúng ta nhìn nhận sự tiến bộ của mình, đánh giá hiệu quả công việc và điều chỉnh các bước theo điều kiện của bản thân. Hơn nữa, sự tưởng tượng càng rõ ràng bức tranh thành công sẽ tiếp thêm động lực để chúng ta tiếp tục hành động. 

lập kế hoạch bản thân

Ví dụ như, nếu bạn muốn trở thành một nhân viên truyền thông của tổ chức phi chính phủ hướng tới phát triển xã hội trong hai năm nữa, vì vậy bạn không chỉ vừa phải trang bị cho mình các kỹ năng truyền thông, các kiến thức xã hội mà còn cần phải thử sức mình ở những vị trí nhỏ hơn trước đó. Bởi vậy, hãy ngẫm xem, liệu nửa năm nữa, bạn sẽ tham gia một hay hai dự án xã hội nhỏ của trường học hoặc dự án như thế nào? Những nhiệm vụ được giao trong đó sẽ bổ sung kinh nghiệm cho bạn thế nào? Trong vòng một năm trở lại, bạn dự định sẽ đi làm thêm ở tổ chức tình nguyện nào, hoặc học thêm khóa học bổ trợ thế nào? Và trong năm cuối cùng, bạn có thể tưởng tượng ra mình sẽ trở thành một nhân viên truyền thông chuyên nghiệp, tự tin ứng tuyển ở bất cứ tổ chức nào mà bạn mong muốn.   

Trong quá trình thiết lập mục tiêu, bạn cũng có thể áp dụng quy tắc SMART (Specific, Measurable, Achievable, Realistic, Time bound) để thiết lập kế hoạch cho bản thân từng bước khả thi, cụ thể và lâu dài. Không nên đặt mục tiêu quá lớn ngay từ đầu vì bạn có thể cảm thấy bị choáng ngợp và chùn bước. Hãy từng bước thực hiện mục tiêu và đừng quên thưởng cho mình một phần quà xứng đáng để thêm động lực bạn nhé. 

Xác định con đường đến mục tiêu

Bạn đã có mục tiêu rõ ràng để tạo nên một kế hoạch hoàn hảo cho bản thân, vậy thì con đường chúng ta tiến tới thành công chỉ còn thiếu một bước nữa thôi, nhưng đó sẽ là một bước đi rất dài và đòi hỏi sự kiên trì: đó chính là tri thức hay kinh nghiệm. Trong phần này, INDEC sẽ giúp bạn hoàn thiện việc thiết lập kế hoạch cho bản thân bằng những phương pháp học tập để giúp bạn tiến về đích. 

Sách

lập kế hoạch bản thân

Sách chứa biển lớn tri thức, con người không bao giờ đủ thời gian để đọc hết số lượng sách tồn tại trên đời. Bởi vậy, trong quá trình học hỏi, bạn cũng cần tìm ra những cuốn sách phù hợp với bản thân, từ chuyên môn đến kỹ năng, kiến thức xã hội,… Không có ai thành công mà ít đọc cả. 

Khóa học

lập kế hoạch bản thân
Teacher With Female Pupil Reading At Desk In Classroom

Trường học sẽ không bao giờ cung cấp cho bạn những kỹ năng cần thiết khi bước vào cuộc sống của những người trưởng thành, vì vậy, chúng ta luôn cần học hỏi thêm để có hành trang vững vàng. Hiện nay, các khóa học kỹ năng được tổ chức khắp mọi nơi với nhiều hình thức: workshop, học offline hay online, nhưng INDEC khuyên chúng ta có thể theo học online để thuận tiện cho bạn nhất. 

Nếu như bạn giỏi tiếng Anh thì có thể tự tin theo học các khóa trên Coursera, Udemy, EdX, ivolunteer. Đây là những nền tảng học hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục trực tuyến. Những kiến thức đa dạng, phủ mọi ngành nghề và luôn được cập nhật hàng năm.  Ngoài ra, còn nhiều trang học trực tuyến khác nữa, bạn hãy tự mình khám phá nhé.

Trải nghiệm

lập kế hoạch bản thân

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng một lần được nghe câu nói này rồi. Nếu chỉ học mà không thực hành thì kiến thức trên sách vở sẽ không bao giờ trở thành vũ khí giúp bạn hoàn thiện bản thân mình. Bởi vậy, trong quá trình học tập, bạn có thể tham gia các CLB, thực tập, tham gia cuộc thi, hoặc có một dự án cá nhân và mời nhiều bạn khác cùng tham gia cho vui nhé. Tuy nhiên, cũng đừng để các hoạt động này ảnh hưởng đến việc học trên lớp, do đó, hãy lập kế hoạch cụ thể cho các hoạt động ngoại khóa và dành thời gian định kỳ theo ngày, tuần, tháng, hay năm để nhìn lại trải nghiệm của mình nhé.

Học hỏi

Cách học hỏi đơn giản nhưng hiệu quả nhất chính là quan sát cách người khác làm việc và áp dụng cho bản thân bạn. Hầu hết, chúng ta đều từng một lần thất bại trong chính lĩnh vực của mình, tuy nhiên, khi đối mặt với những người đã gặp thách thức tương tự, chúng ta hoàn toàn có thể xin kinh nghiệm để hạn chế tối đa những tổn thất trên con đường của mình. Đặc biệt đối với những người mới, có một người có kinh nghiệm định hướng bên mình thì sẽ dễ có một hướng đi đúng đắn hơn ngay từ đầu.

Tạm kết

Lập kế hoạch cho bản thân, chưa bao giờ là một việc lỗi thời. Các bạn trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần nuôi dưỡng bên trong mình một động lực để phấn đấu cho mục tiêu của chúng ta. Cùng với bài viết này, INDEC xin gửi gắm các bạn lời chúc tốt đẹp nhất, mong rằng, bạn sẽ luôn đạt được những điều mình mong muốn.

____________________________

CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG

Địa chỉ: Tòa nhà INDEC, ngõ 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội

Hotline: 024 7305 3355

Facebook: Du học cùng INDEC

One thought on “3 bước lập kế hoạch cho bản thân giúp bạn hoàn thành mọi mục tiêu khó nhằn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *