Theo QS International Student Survey 2021, hơn 60% học sinh, sinh viên cho rằng tiêu chí về thứ hạng là tiêu chí quan trọng nhất trong quá trình lựa chọn trường đại học mà mình sẽ theo học. Vậy liệu có tồn tại khái niệm “Trường đại học “tốt””? Có phải ngôi vị “trường đại học tốt” chỉ dành cho những trường top đầu trên các bảng xếp hạng? Cùng INDEC tìm hiểu qua bài viết sau đây
Thứ hạng của trường phản ánh điều gì?
Không ít phụ huynh, học sinh chỉ mới nghe qua thứ hạng tổng quát – Overall Ranking đã vội vàng đưa ra kết luận trường tốt, trường dở mà không biết rằng phần lớn các bảng xếp hạng được thực hiện bởi các tạp chí với những quy chuẩn, mục đích khác nhau. Xét về quy mô toàn cầu, QS World University Ranking (QS), Times Higher Education (THE) là 2 bảng xếp hạng phổ biến. Riêng ở Mỹ, US News & World Report được nhiều sinh viên và phụ huynh tin tưởng.
Theo đó, QS dựa vào các tiêu chí đánh giá và khảo sát như:
- Danh tiếng học thuật (40%)
- Chất lượng đầu ra nhìn từ góc độ nhà tuyển dụng (10%)
- Tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%)
- Số lần được trích dẫn/ các bài báo khoa học… (20%)
- Tỷ lệ giảng viên quốc tế/sinh viên tại cơ sở (10%)
THE tập trung vào:
- Chất lượng giảng dạy – Môi trường học tập (30%)
- Số lượng nghiên cứu (30%)
- Tầm ảnh hưởng nghiên cứu
- Triển vọng quốc tế (7.5%)
- Thu nhập của trường từ việc bán nghiên cứu cho doanh nghiệp (2.5%)
Theo 2 cách đánh giá như trên, các trường mạnh về khối Engineering, Business, Education – vốn không có nhiều sách/ ấn phẩm được xuất bản khó có thể “chen chân” vào top đầu*. Phần lớn các trường đại học thứ hạng đầu là những trường tư với học phí cao, điều kiện đầu vào khó hơn nhiều so với các trường xếp hạng thứ 50 trở đi.** Yếu tố Danh tiếng học thuật tuy được đo lường từ tên tuổi các giáo sư nổi tiếng nghiên cứu tại trường nhưng không phải ai trong số này cũng tham gia giảng dạy trực tiếp.
Với những tiêu chí đánh giá mang nhiều tính học thuật và ít tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh viên, có thể thấy bảng xếp hạng của QS và THE sẽ giúp ích cho chính phủ trong việc phân bổ ngân sách phát triển khoa học kỹ thuật và hoạch định chiến lược. Với du học sinh tương lai, US News & World mang tính thực tế hơn bởi công thức tính gồm:
- Tỷ lệ tốt nghiệp và hoàn tất chương trình học (22.5%)
- Danh tiếng học thuật từ chương trình cử nhân (22.5%)
- Nguồn tài liệu của trường (20%)
- Tỷ lệ đầu vào (12.5%)
- Nguồn tài chính của trường (10%)
- Tỷ lệ đầu ra (7.5%)
- Tiền đầu tư từ cựu sinh viên (5%)
Ngoài ra, Shanghai Academic Ranking of World Universities (ARWU) là bảng xếp hạng đại học thế giới của Đại học Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Từ năm 2003, ARWU đã giới thiệu 500 trường hàng đầu thế giới hàng năm dựa trên phương pháp minh bạch và sử dụng dữ liệu của bên thứ ba.
ARWU xây dựng bốn tiêu chí chính, bao gồm chất lượng giáo dục (10%), chất lượng giảng viên (40%), nghiên cứu khoa học (40%) và năng suất học thuật bình quân trên đầu người (10%).
Đối với 10% đánh giá xếp hạng từ chất lượng giáo dục, Đại học Giao thông Thượng Hải xem xét tổng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Fields – những người có bằng cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ từ cơ sở giáo dục. Trọng số khác nhau phụ thuộc vào thời gian nhận bằng cấp, 100% đối với cựu sinh viên lấy bằng giai đoạn 2001-2010, 90% đối với giai đoạn 1991-2000… Nếu một người lấy nhiều bằng từ một trường, trường đó sẽ chỉ được xem xét tiêu chí này một lần.
Chất lượng giáo viên được đánh giá dựa trên số giảng viên được giải Nobel và huy chương Fields (20%), số nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều thuộc 21 lĩnh vực (20%). Số liệu trích dẫn lấy từ Thomson Reuters.
Trong tiêu chí nghiên cứu khoa học, số bài báo xuất bản trên tạp chí Nature and Science chiếm 20% đánh giá tổng thể, số bài báo được trích dẫn trong hệ thống các tạp chí Science Citation Index Expanded (SCIE) và Social Science Citation Index (SSCI) chiếm 20%.
Cuối cùng, chỉ số về năng suất học thuật bình quân được tính bằng cách chia tổng điểm các mục trên cho tổng số cán bộ toàn thời gian của cơ sở, chiếm 10% kết quả bảng xếp hạng.
Như vậy, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao thông Thượng Hải chủ yếu sử dụng số liệu công khai của các tổ chức ngoài cơ sở đại học.
Theo kết quả Bảng xếp hạng các trường Đại học năm 2020, Đại học Harvard đứng đầu bảng xếp hạng ARWU (Trung Quốc. Trong khi đó, bảng QS (Anh) đánh giá Viện Công nghệ Massachusetts tốt nhất thế giới năm nay, còn bảng THE (Anh) lại vinh danh Đại học Oxford.
Tuy còn nhiều tranh cãi, kết quả được nghiên cứu từ ba bảng xếp hạng này đều là nguồn tham khảo quý giá trong việc đánh giá tổng thể các đại học trên thế giới.
Nên tìm kiếm điều gì từ bảng xếp hạng?
Bên cạnh Overall Ranking, Subject Ranking là một yếu tố quan trọng không kém sinh viên cần tìm hiểu để biết được đâu là ngôi trường đi đầu trong lĩnh vực mình nhắm đến. Harvard luôn chiếm vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thế giới nhiều năm liền không có nghĩa là mọi ngành học ở Harvard đều xếp hạng 1: Chương trình MBA toàn cầu của trường chỉ xếp thứ 2 sau University of South Carolina (USC), Computer Science hạng 11, ngành Engineering xếp thứ 34… Ấy là chưa kể với những ngành mới và đặc thù như Supply Chain Management, ngành Architecture, ngành Design hay Fashion Merchandising, những cái tên như Harvard, Yales, Princeton… hoàn toàn không có mặt trong top 10. Vì thế, chọn trường đơn thuần vì Overall Ranking cao chưa hẳn đã là quyết định khôn ngoan.
Một trường hợp khác như đại học Auburn (AU) tuy đứng thứ 103 trong tổng số 4,000 trường đại học Mỹ nhưng với ngành Supply Chain Management xếp hạng 8, top 10 toàn quốc về Design/ Artchitecture, Fashion Merchandising hạng 2, Biology Engineering 17, Industrial Engineering đứng thứ 32… Auburn luôn là điểm đến trong mơ của các sinh viên ngành STEM trên khắp thế giới. Auburn cũng là ngôi trường sản sinh ra các nhà khoa học và phi hành gia cho NASA – một bằng chứng cho thấy không phải cứ học ở những trường top đầu mới thành công.
Chính vì điều này mà US News ngoài việc xếp hạng tổng quát cũng chú trọng phân loại theo chuyên ngành như Best Graduate Schools in Business/ Education/ Engineering/ Law/ Medicine… với những tiêu chí khác nhau. Bảng xếp hạng các chương trình cử nhân cũng tách biệt với các chương trình sau đại học.
Ngoài khía cạnh học thuật, sinh viên có thể tìm hiểu thêm về trải nghiệm và cuộc sống sinh viên ở ngôi trường tương lai qua những bảng xếp hạng khác như Dream Colleges của The Princeton, Student Satisfaction của Forbes, College Town của Business Insider, Value (so sánh giữa khía cạnh về học phí và mức lương trung bình sau khi tốt nghiệp) của Money…
Dù gì đi nữa, việc chọn trường đại học cũng giống như đưa quyết định đầu tư cho sự nghiệp tương lai, bên cạnh việc tham khảo bảng xếp hạng, sinh viên cần dựa vào đam mê, nguyện vọng và thực lực của mình để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Ngoài thứ hạng, bạn nên quan tâm yếu tố nào khi chọn trường du học?
Phù hợp với nền tảng kiến thức & sở thích của bản thân
Việc hiểu được sở thích và sở trường của mình là gì sẽ giúp các bạn chọn được trường, ngành học & lĩnh vực phù hợp để phát triển trong tương lai. Vì vậy, điều đầu tiên bạn cần làm là nhận diện bản thân về đam mê, định hướng và năng lực. Bạn có thực sự có thiên hướng trong lĩnh vực nào, có đam mê với ngành nghề đó không? Hãy xác định bản thân mình thích gì, mơ ước thứ gì để được tiếp thêm động lực học tập, làm việc, tìm tòi, sáng tạo và phát triển hơn trên con đường sự nghiệp.
Đứng dưới góc độ của một chuyên gia đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn du học, chị Dương Hằng My – Giám đốc vận hành của Du học INDEC chia sẻ: “Khi lựa chọn trường, các bạn sinh viên cần chú ý tới cái liên quan nhất đến mình, sát sườn nhất chính là module môn học. Hãy chọn trường có chuyên ngành cung cấp module môn học mà bạn “có thể học được” & “hứng thú”.
Có thể học được ở đây được hiểu là bạn đã có kiến thức cơ bản ở Việt Nam rồi để đảm bảo được phần nào sự thành công của bạn khi đi du học; đi du học ko chỉ đơn giản là đầu tư tài chính, mà còn là đầu tư thời gian. Do đó, bạn ko nên vì ranking, vì trend,.. mà rủi ro chọn những chương trình học quá xa lại vs mình.
Hứng thú ở đây được hiểu là bạn cảm thấy bạn muốn theo đuổi muốn tìm tòi học sâu hơn về các module học đó. Hãy tưởng tượng bạn sẽ dành ra ít là 1 năm học thạc sĩ, nhiều là 3-4 năm học cử nhân để theo học các môn mà bạn ko hề thấy thú vị, chắc chắn kết quả học tập của bạn sẽ không hề tốt. Ví dụ, bạn cực kì ghét toán mà bị bắt học toán suốt ngày, liệu có thể thành công được ko?”
Phù hợp với năng lực học tập
Đầu tiên, bạn nên cân nhắc về năng lực học tập của mình khi chọn trường phù hợp. Ví dụ, với các bạn có năng lực học tập tốt, bạn hoàn toàn có đủ khả năng nộp hồ sơ vào các trường top đầu. Tuy nhiên, nếu học lực của bạn chỉ ở mức tầm trung bình – khá, bạn có thật sự tự tin khi học trong một môi trường có tính học thuật cao, nhiều yêu cầu khó & xung quanh bạn toàn những sinh viên sáng giá, sở hữu thành tích ấn tượng? Hay bạn sẽ cảm thấy chới với, đuối sức?
Chưa kể đối với 1 du học sinh Việt Nam, bạn cần phải đối mặt với nhiều thách thức khác như: Làm quen với môi trường sống mới, làm quen với phương pháp học tập mới, không có người thân, gia đình xung quanh để hỗ trợ bạn những lúc khó khăn,…
Xong bạn còn áp lực mình học trường ranking cao, cạnh tranh với toàn những sinh viên tài giỏi của nước Anh & trên toàn thế giới, liệu có thực sự cần thiết?
Phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động
Chắc hẳn đích đến của việc học chính là tìm được một công việc phù hợp, xây dựng được lộ trình nghề nghiệp & vững vàng hơn để bước chân vào thị trường lao động. Trên thực tế, các đơn vị tuyển dụng ở Việt Nam hay trên thế giới đều không quá coi trọng việc bạn có tốt nghiệp trường ranking cao hay không. Còn nhiều yếu tố khác mà nhà tuyển dụng sẽ dựa vào để xem xét liệu bạn có là nhân sự giỏi, phù hợp với doanh nghiệp hay không. Ví dụ, các tổ chức, doanh nghiệp thường sử dụng mô hình ASK để đánh giá nhân sự dựa trên 3 yếu tố chính: Thái độ (Attitude) – Kiến thức (Knowledge) – Kỹ năng (Skills). Vì vậy, bạn còn cần Thái độ, Kỹ năng, chứ ko đơn giản là Kiến thức học ở trường đại học.
Phù hợp với nhu cầu được trải nghiệm, khám phá nền văn hóa mới
Đối với các bạn trẻ, chắc chắn các bạn đều có khao khát được trải nghiệm nền văn hóa mới, gặp gỡ con người mới để mở rộng góc nhìn & tích lũy thêm kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, với lịch trình học dày đặc, kiến thức nặng và chuyên sâu của hơn rất nhiều so với các trường học thực tiễn, bạn khó có thể tự tin khẳng định rằng mình sẽ cân đối được việc học và dành thời gian để đi du lịch, khám phá đó đây.
Tạm kết
Với những yếu tố trên, các trường ranking cao chưa chắc đã là các trường đại học tốt. Các bạn học sinh, sinh viên nên lựa chọn trường dựa trên khái niệm phù hợp & xây dựng bộ tiêu chí riêng cho bản thân. Một ngôi trường tốt sẽ là ngôi trường phù hợp nhất với bạn.
Mặc dù tốt nghiệp từ các trường đại học có thứ hạng cao sẽ giúp các tân cử nhân tăng sức cạnh tranh và làm đẹp hồ sơ bằng cấp khi xin việc. Tuy nhiên, không phải cứ trường thứ hạng cao sẽ phù hợp với bạn. Nếu bạn đang băn khoăn lựa chọn cho mình một ngôi trường và ngành học phù hợp nhất với điều kiện kinh tế và năng lực bản thân, đừng ngần ngại liên hệ với Du học INDEC để được hỗ trợ miễn phí nhé!
______________________________________________________
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG
Địa chỉ: Tòa nhà INDEC, ngõ 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội
Hotline: 024 7305 3355
Facebook: Du học cùng INDEC/ Săn Học Bổng Du Học Mỹ Cùng INDEC